Đào cống thoát nước, Hà Nội có thành "đại công trường"?
Đào cống thoát nước, Hà Nội có thành "đại công trường"?
|
Giải quyết được tình trạng “cứ mưa là ngập”
Xin ông cho một số đánh giá về thực trạng hệ thống cấp thoát nước của TP Hà Nội hiện nay?
Thực trạng hiện nay của hệ thống cấp thoát nước Hà Nội rất hạn chế, do nhiều tuyến được xây dựng lắp đặt từ cách đây hơn 70 năm. Hơn nữa, đa số hệ thống cống trên nhiều tuyến phố có kích thước nhỏ, nên không thoát được nước khi mưa lớn, gây ngập cục bộ trên một số tuyến phố. Vì thế, việc lắp đặt hệ thống thoát nước trong gói thầu số 9 trên 44 tuyến phố là rất cần thiết. Góp phần quan trọng trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt xảy ra trong thời gian vừa qua.
Khi hoàn thành hệ thống cấp thoát nước, tình trạng lụt lội sẽ không còn xảy ra ở Thủ đô |
Liên quan đến Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (gói thầu số 9), ông có thể cho biết những công việc chính để triển khai trong dự án này?
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội, sẽ triển khai thi công lắp đặt hệ thống cống trên 44 tuyến phố thuộc 7 quận nội thành, trong đó riêng quận Hoàn Kiếm là 20 tuyến phố, tổng chiều dài là 21.160m cống các loại. Tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ mùa khô năm 2012 đến cuối năm 2013 (trong đó năm 2012: 21 tuyến, các tuyến còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2013). Mục tiêu chính của dự án là thay đổi năng lực thoát nước, tăng khả năng thu nước từ mặt đường xuống cống, nâng kích cỡ các loại cống để tăng khả năng lưu thoát của dòng chảy.
Cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng
Với việc thi công trên 44 tuyến phố thuộc 7 quận nội thành, nơi có mật độ dân số cao và lưu lượng lưu thông lớn, vậy việc thi công này liệu có ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thưa ông?
Dù đặt ra kế hoạch chỉ thi công cuốn chiếu trên cơ sở không quá 2 tuyến trên một địa bàn quận trong nội thành tại một thời điểm. Nhưng chắc chắn thi công sẽ ảnh hưởng đến giao thông đi lại và đời sống người dân. Đặc biệt, do đặc điểm tuyến phố, việc thi công tại phố Lò Đúc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của nhân dân vì đây là tuyến phố trục chính, rất đông người tham gia giao thông. Đơn vị thi công sẽ cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng này, mong người dân chia sẻ khó khăn của Ban quản lý dự án, tạo điều kiện giúp đỡ để dự án hoàn thành sớm và đạt kết quả trong công tác thoát nước của Thủ đô.
Việc đào đường khó tránh khỏi ảnh hưởng đến cuộc sống người dân... |
Như ông đã nói, để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đơn vị thi công sẽ áp dụng những phương án gì, thưa ông?
Về vấn đề này, để giảm ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của người dân, cũng như đảm bảo tiến độ thi công, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho thi công cả ngày lẫn đêm tại 15 tuyến, 29 tuyến còn lại chỉ được phép thi công vào ban đêm (từ 22 giờ đêm hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau). Khi thi công tại tuyến phố nào sẽ lắp biển báo, đèn tín hiệu, người chỉ dẫn và phân luồng giao thông tại chỗ. Với tuyến phố có đường kính lớn, bề mặt rộng, sẽ được thi công cả ngày lẫn đêm nhưng sẽ tổ chức phân luồng, làm hàng rào tôn cố định…
Ông có thể cho biết thêm về những tuyến phố chính sẽ được thi công ban ngày và ban đêm để người dân lập kế hoạch khi tham gia giao thông?
Theo như kế hoạch đã được phê duyệt, từ năm 2012 đến năm 2013, đơn vị thi công sẽ tiến hành lắp đặt cống thoát nước tại 44 tuyến phố, tùy theo đặc điểm của từng tuyến phố để thực hiện thi công ban ngày hay ban đêm. Cụ thể, 14 tuyến phố được làm cả ngày lẫn đêm bao gồm Hoàng Diệu - Điện Biên Phủ, Hàng Tre – Hàng Thùng, Lương Sử - Phụ Sản, Lò Đúc, Ngô Quyền, Ngô Thì Nhậm – Hoà Mã, Cổ Tân, Nhà Thờ, Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lạc Trung, Minh Khai, Lê Duẩn, Hai Bà Trưng.
30 tuyến phố chỉ được phép làm ban đêm bao gồm Chùa Hà, ngõ Nguyễn Công Trứ, Chùa Vua, Thịnh Yên, Lê Trọng Tấn, Thợ Nhuộm, ngõ Núi Trúc, Chi cục thuế, Thái Thịnh, Trương Định, Hoàng Văn Thái, Quán Sứ, Phó Đức Chính, Núi Trúc, Hàng Muối, Lĩnh Nam, Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Đinh Liệt, Nguyễn Xí, Lãn Ông, Hàng Phèn, Nhà Hoả, Bảo Khánh, Hàng Hành, Khương Thượng, ngõ Bà Triệu, Trần Khát Chân…
Xin cảm ơn ông và chúc dự án thành công!
Ninh Thanh