Danh tiếng 60 năm làng muối Cồn Cù
Những diêm dân làm ra hạt muối Cồn Cù. |
Nghề làm muối là một nghề trong danh mục 7 ngành kinh tế biển, bởi muối ăn là nguồn tài nguyên vô cùng lớn lao trong nước biển. Các nhà khoa học đã tính toán, trung bình cứ mỗi mét khối nước biển có khoảng 3,5kg muối ăn hòa tan.
Họ tính, nếu đem tất cả muối hòa tan trong nước biển trải đều lên bề mặt các lục địa thì sẽ có lớp muối dày từ 180- 200m.
Nghề làm muối từ nước biển là nghề truyền thống từ lâu đời của cư dân thuộc nhiều quốc gia có biển trên thế giới. Nghề làm muối ở làng ven biển tỉnh Trà Vinh được bắt đầu vào năm 1946.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến năm 1946, giặc Pháp đã lấn chiếm đóng đồn gần hết tỉnh Trà Vinh, duy chỉ còn có mỗi vùng đất rừng ven biển thuộc huyện Duyên Hải ngày nay là chưa có đồn bót địch.
Trước tình hình khó khăn đó, Tỉnh ủy Trà Vinh chủ trương di chuyển căn cứ Tỉnh ủy Trà Vinh từ TX Trà Vinh về bám trụ trong các khu rừng vùng ven biển tỉnh Trà Vinh để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân tỉnh Trà Vinh. Các vùng ven biển tỉnh Trà Vinh lúc đó dân cư rất thưa thớt, rừng rú thì rậm rạp.
Thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ, nhưng lại rất khó khăn về mặt kinh tế. Làm thế nào để có cơ sở kinh tế, đảm bảo nhu cầu tối thiểu về đời sống cho bộ máy lãnh đạo của một tỉnh trên một vùng căn cứ mà điều kiện kinh tế của nhân dân địa phương còn hết sức nghèo nàn? Đây là một vấn đề nan giải.
Để khắc phục khó khăn của thời kỳ chỉ có “nóp với giáo, mang trên vai”, còn “thuốc súng kém”(*) ấy, Tỉnh ủy chủ trương thành lập Ban sản xuất và mở cơ sở làm ruộng muối tại ấp Cồn Cù (xã Dân Thành). Lúc đó, vùng đất này còn thuộc huyện Cầu Ngang. Đến tháng 6/1951, huyện Duyên Hải mới được thành lập.
Ban sản xuất của Tỉnh ủy Trà Vinh lúc mới ra đời có 5 người do ông Phan Văn Lam (tức Bảy Lam) làm Trưởng ban.
Sau này, do sự sốt sắng của mình, ông Bảy Lam thường hay giúp đỡ Đoàn văn công Ánh Hồng của tỉnh và Đoàn văn công Dũng Tiến của huyện Duyên Hải đi phục vụ đồng bào, bộ đội địa phương, nên anh, em gọi mãi thành danh là ông Bảy Bầu hoặc ông Bảy Bầu Lam (Bầu là tên chỉ chủ gánh hát- bầu gánh). Ông Bảy Bầu Lam đã qua đời tại quê nhà ấp Giồng Giếng (xã Dân Thành, huyện Duyên Hải).
Ban sản xuất được Tỉnh ủy phân công mở cơ sở làm muối để Tỉnh ủy có cơ sở bám trụ, lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống Pháp. Nhưng lúc ấy, ở vùng này chưa ai làm ruộng muối và trong Ban sản xuất của Tỉnh ủy cũng chưa có ai biết làm muối bao giờ.
Lúc này, ở ấp Cồn Ông (xã Dân Thành) có ông Phan Văn Hùng biết cào đất mặt có đóng muối về nấu muối bọt để dùng trong gia đình. Ông Phan Văn Hùng được ông Bảy Lam mời vào Ban sản xuất.
Vụ muối đầu tiên, Ban sản xuất mở ra khoảng 10 công (1ha) ruộng muối. Do khu vực đất ấp Cồn Cù lúc đó trũng, nên trong đất có phèn. Thu hoạch vụ muối đầu tiên năng suất thấp. Chất lượng muối xấu, có màu nâu của phèn.
Các tay thợ làm muối trong Ban sản xuất của Tỉnh ủy Trà Vinh chở muối đi bán khắp nơi, phải cực nhọc lắm mới tiêu thụ được. Vụ muối đầu tiên bán hết, mua về bao nhiêu thứ mà thứ nào cũng quý, nào là gạo, đường, thuốc trị bệnh, văn phòng phẩm cho cơ quan Tỉnh ủy. Các ông trong Ban sản xuất Tỉnh ủy Trà Vinh mừng vô kể.
Thấy việc làm muối có kết quả, Tỉnh ủy Trà Vinh xin điều động một Trung đoàn bộ đội Quân khu 8 đến Cồn Cù khai thác đất rừng làm ruộng muối. Thấy vậy, nhân dân địa phương ở Cồn Cù cũng khai thác đất rừng làm ruộng muối.
Bộ đội và nhân dân cùng nhau đào 5 con kinh được đặt tên theo thứ tự như kinh Dê Rô, kinh Một, kinh Hai, kinh Ba,... dẫn nước sông vào rừng xổ phèn và đưa nước mặn vào đồng làm muối. Ông Bảy Lam được Tỉnh ủy phân công làm Chủ Sở muối Cồn Cù - một chức phận khá quan trọng thời đó.
Muối Cồn Cù từ đó đã có sản phẩm với khối lượng hàng hóa lớn. Ban sản xuất không phải chở muối đi bán nữa mà ghe buôn ở các nơi tìm đến neo đậu chờ mua. Chẳng những thế mà dân nhiều nơi còn đổ xô về Cồn Cù làm nghề ruộng muối.
Dân cư ở Cồn Cù từ thưa thớt, dần dần mỗi ngày một đông thêm. Ông Trần Văn Kiếu- nguyên Chủ tịch UBND huyện Duyên Hải nhớ lại: Dân Cồn Cù hồi đó có lúc lên đến 10.000 người.
Người đông, họ làm thêm nhiều nghề. Người làm nghề muối. Người làm nghề cá. Kẻ đi buôn hàng công nghệ phẩm, vải vóc, thực phẩm... nhộn nhịp. Họ nhóm chợ suốt cả ngày đêm. Và, họ gọi Cồn Cù thời Tây cai trị đó là Sài Gòn mới. Ruộng muối Cồn Cù đến năm 1954 có diện tích khoảng 6.000 công (600ha).
Từ Cồn Cù, nghề làm muối sau đó được mở rộng sang các ấp khác như ấp Mù U, Láng Cháu; xã Dân Thành, xã Đông Hải có nghề làm muối ở ấp Động Cao; xã Long Toàn có nghề làm muối ở ấp Bào Sen; xã Long Khánh có nghề làm muối ở ấp Đình Cũ; xã Long Hữu có nghề làm muối ở ấp Đon.
Tuy nhiều nơi ở làng ven biển Trà Vinh có nghề làm muối, nhưng muối Trà Vinh có chở đi đâu bán, vẫn cứ mang danh muối Cồn Cù. Diện tích đồng muối ở làng ven biển Trà Vinh có lúc lên đến gần 800ha.
Muối chẳng những rất cần thiết cho đời sống và sản xuất mà muối còn lặng lẽ đi vào thơ ca. Lúc còn nằm nôi, chúng ta từng nghe à ơi câu hát: “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” hoặc “Tay bưng dĩa muối chấm gừng/Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau...”
Và những cuộc hội ngộ bất chợt trên đồng muối năm nào đến hôm nay vẫn còn xao xuyến con tim người thực tại...
“... Tháng Ba nắng cháy da người
Trên đồng muối, em vẫn ngồi quay xa
Nước theo cánh quạt chảy qua
Bọt tung cuồn cuộn như là mây bay
Nắng tuôn lên mặt nước này
Kết thành hạt muối lắt lay xuống đồng…
Hỏi em muối có mặn không…
Em cười buông giọng trong trong bên đường
Tình người vẫn mặn mà hơn
Anh đi nhớ ghé quê cồn của em...
Ven rừng ríu rít tiếng chim
Biển trưa sóng vỗ triều lên gọi mùa
Trông trời khoan hãy đổ mưa
Để cho muối kịp vào mùa đông khuôn
Da em dù có đen hơn
Miễn sao hạt muối ngày thêm nặng đồng
Ngắm đồng muối trắng mênh mông
Thương em gội nắng mấy lần bỏng da
Làm nên hạt muối trắng ngà
Để ai cũng được mặn mà tình em!”
(Trích thơ “Gặp em trên đồng muối”- Trần Điền)
Hơn 60 năm biến đổi thăng trầm với biết bao huyền thoại, muối Cồn Cù đã từng chắp cánh cho nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh trong và ngoài nước thành danh.
Hiện nay, một phần khá lớn diện tích đồng muối Cồn Cù ở làng ven biển Trà Vinh rồi đây phải nhường chỗ cho công trình kinh đào Trà Vinh để mở đường cho miền Tây Nam Bộ ra biển Đông. Cũng như các làng nghề làm muối ở Việt Nam, nghề làm muối Cồn Cù ở làng ven biển Trà Vinh đang đứng trước sự lựa chọn đầy trăn trở.
Do giá cả còn khá bấp bênh nên nghề muối chưa làm cho người làm muối giàu lên. Nhưng dẫu sao, nó cũng gắn bó với một bộ phận khá đông người dân làng ven biển Trà Vinh suốt hơn 60 năm cơ cực.
Có còn không nghề làm muối ở làng ven biển Trà Vinh? Câu hỏi còn chưa có lời giải đáp trước cơn lốc của đô thị hóa và cơ chế thị trường. Nhưng người làm muối ở làng ven biển Trà Vinh vẫn muốn mãi được hiến dâng cho đời, vị mặn!
Nguồn: Báo Vĩnh Long