"Đánh bạc" với nghề dưỡng mai Tết
"Đánh bạc" với nghề dưỡng mai Tết
Ông Năm Tấn (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) than thở: "Cả năm chăm sóc mai nhưng năm nay chỉ có 200-300 chậu đạt chuẩn bán Tết".
Nặng nợ với cây mai nên ông Ba Sơn (đường 37, khu phố 8, phường Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) vẫn duy trì được 3.000m2 đất cho việc dưỡng mai hàng năm. Ông chia sẻ: "Tiền công chăm sóc một chậu mai một năm thông thường được tính theo thỏa thuận, có thể là 50/50 hay 1/3 trên giá trị thị trường của cây mai. Song gần đây thì tình hình khó "ăn" hơn".
Mấy năm trở lại đây do ảnh hưởng của hiệu ứng nhà kính, khí hậu trở nên khắc nghiệt, nắng nóng gay gắt, mưa dầm làm cho lá mai mau già, dễ rụng thì mai sẽ “ăn Tết sớm”, còn nếu không khí lạnh kéo dài thì mai sẽ nở muộn và có khi cây mai bị “điếc” (không nở hoa).
Đối với dân chơi mai, không ai không biết lão Thông (Minh Thùy), ông có 4.000m2 đất mặt tiền QL13, phường Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức, TP.HCM chỉ để chăm sóc toàn những cây mai "vip", mỗi cây có giá từ 10 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng, cá biệt có gốc mai 3 đời có giá đến 2 tỉ đồng.
Gắn bó với nghề dưỡng mai hơn 22 năm nay, vậy mà cũng có năm lão Thông đã “không có tiền ăn Tết”. May mà cậy nhờ quán café bên cạnh để lấy ngắn nuôi dài. Theo quan niệm của lão thì nghề dưỡng mai Tết là chuyện “thành công, thất bại do chủ vườn”.
The ông Đặng Văn Hồng (Tư Hồng) - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh Thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương - người năm năm liền đoạt giải vàng của Hội thi sinh vật cảnh ở Bình Dương, mấy năm gần đây thời tiết không ổn định đã gây không ít khó khăn cho nghề chăm sóc mai, bởi cây mai dễ dị ứng với thời tiết.
Do đó, hiện có nhiều nhà vườn chăm sóc mai ở khu vực Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai... đã chuyển nghề sang kinh doanh kho bãi hoặc cây xanh công trình.
trường giang