Đăng “ký họa nghi phạm” trên báo: Hành động rất nhân văn, hướng theo cái mới!
Ngày 9/1, Cục An ninh Tài chính tiền tệ và đầu tư (A84) đã bắt nghi can Nguyễn Tường Duy (SN 1968, cán bộ Đội kiểm soát hải quan thuộc Cục Hải quan TP.HCM) để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Theo cơ quan điều tra, họ đang điều tra nghi vấn nhiều doanh nghiệp "đưa phong bì" cho ông Duy để hàng hóa được thông quan dễ dàng. Khi khám nhà ông này, cơ quan điều tra thu nhiều phong bì, có giá trị khoảng 1 tỷ đồng.
Nhiều báo đăng hình ảnh thật của ông Duy do cơ quan điều tra cung cấp. Trong số rất nhiều báo đưa hình ảnh thật liên quan đến cán bộ Hải quan này khi mới bị bắt, bạn đọc ngỡ ngàng với hình ảnh “ký họa chân dung” được đăng trên báo Tuổi trẻ mới đây. Bức ký họa chân dung được chú thích với dòng chữ "Nguyễn Tường Duy- Hình vẽ: Lê Phương vẽ từ tư liệu". Hình ảnh ký họa chân dung này đã được lan truyền trên các báo dẫn lại và gây ấn tượng không nhỏ với bạn đọc.
Ký họa chân dung nghi phạm đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 10/1 (nguồn: Tuổi trẻ) |
Báo Tuổi trẻ đưa hình ảnh ký họa có lẽ không phải vì thiếu ảnh phải vẽ lại chân dung, bởi hình ảnh vẽ này được vẽ lại từ ảnh chân dung mà các báo vẫn đăng tải trong 2 - 3 ngày gần đây. Trên chú thích ảnh của báo này nêu rõ "vẽ từ tư liệu". Vì vậy, giới truyền thông đặt câu hỏi phải chăng nhiều cơ quan báo chí ở nước ta đã và đang “manh nha” chuyển hướng sử dụng ký họa chân dung nghi phạm mà báo chí nước ngoài đã thực hiện từ rất lâu. Việc không đưa chân dung nghi phạm, tội phạm một phần đảm bảo tính nhân văn của báo chí và đảm bảo quyền con người quyền công dân được quy định tại Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Nhìn sự việc vượt qua bài báo cụ thể, việc đăng ký họa chân dung nghi phạm là điều cần làm, đã đến lúc phải làm - việc mà báo chí nước ngoài áp dụng đã lâu, PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Huỳnh Kim Ngân, Trưởng Văn phòng Luật sư Chân Thiện Mỹ (Đoàn Luật sư Tp HCM) về vấn đề này.
Thưa luật sư, mới đây trên báo Tuổi trẻ đăng bài viết " Xử lý cán bộ hải quan vòi tiền doanh nghiệp để làm gương". Bài báo đã không đưa ảnh thực nghi phạm mà dùng ảnh vẽ ký họa chân dung. Là người nghiên cứu, thực hành pháp luật, luật sư có bình luận gì?
Trước hết, tôi cho rằng đây là một hành động rất nhân văn và hướng theo cái mới của báo Tuổi trẻ. Bởi vì, đây chỉ là một tin tức về một nghi phạm do cơ quan chức năng phát hiện và do đó, báo sẽ không đăng hình ảnh thật; còn hướng theo cái mới ở đây là thay vì đăng hình ảnh có làm mờ khuôn mặt, nhưng báo đã sử dụng hình vẽ chân dung, nó vừa đảm bảo tính nhân văn, tuân thủ pháp luật, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của một tờ báo.
Có ý kiến cho rằng, đăng ảnh ký họa chân dung nghi phạm là một bước tiến bộ trong nhận thức về truyền thông thế giới. Với Việt Nam, theo tinh thần Hiến pháp 2013, Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật TTHS 2015, điều này đã đến lúc phải đặt ra. Quan điểm của luật sư thế nào?
Khi ta nhắc đến việc tuân thủ Hiến pháp thì trong trường hợp này và các trường hợp tương tự khác khi đối xử với nghi phạm, ta phải tuân thủ Điều 31 Hiến Pháp : “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”. Điều Hiến định này cũng đã được cụ thể thành những quy phạm pháp luật trong Bộ Luật Hình sự 2015 và Bộ Luật tố tụng hình sự 2015.
Chính vì yếu tố “được coi là không có tội” nên khi sử dụng hình ảnh cá nhân phải tuân thủ Điều 31 Bộ Luật Dân sự hiện hành: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình.
“Điều 31. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh
1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.
2. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ mười lăm tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác.
3. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.”
(Trích điều 31, Bộ luật Dân sự hiện hành)
Việc vẽ chân dung, không đăng ảnh thật sẽ có tác động như thế nào đối với việc bảo vệ quyền của người thân, gia đình, họ hàng của những nghi phạm (những người này chưa được xác định có liên quan đến vụ án)?
Tính nhân văn của việc không đăng hình ảnh thật nằm ở chỗ này: vì nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến cha mẹ, vợ/chồng, con cái của nghi phạm đó. Đó là điều cần phải hạn chế vì theo truyền thống Á Đông, yếu tố gia đình không thể không bị ảnh hưởng nếu có một cá nhân có hành vi trở thành nghi phạm. Đó là chưa kể thời đại truyền thông internet, hình ảnh đó sẽ đươc lan truyền nhanh chóng và khó bị phai mờ theo thời gian.
Mặt khác, nhìn một cách chung nhất, khi nghi can chưa được xét xử bằng trình tự pháp luật và chưa có bản án có hiệu lực pháp luật, vẫn chưa được coi là có tội. Việc vẽ chân dung đăng báo có đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội như thế này không?
Vẽ chân dung hay làm mờ hình ảnh của nghi phạm trước hết đó là việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mặc dù đó là một nghi phạm. Báo chí cũng không nên vội vã “kết tội” trước công chúng mà cũng phải áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” trước khi có bản án của Toà án.
Ngoài ra, đây là vấn đề cẩn trọng của báo chí khi sử dụng hình ảnh vì về nguyên tắc rất có thể bị kiện khi không theo quy định tại Điều 31 Bộ Luật Dân sự.
Theo luật sư có cần đưa ra khuyến cáo để các báo, các cơ quan truyền thông áp dụng tương tự để đảm bảo "quyền con người, quyền công dân" của các nghi phạm không?
Tôi nghĩ, chỉ cần tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, báo chí sẽ có nhiều hướng làm mới đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Mặt khác, Luật Báo chí trong thời gian tới sẽ được ban hành, khi đó, mọi vấn đề sẽ được cụ thể hơn bởi những văn bản Quy phạm pháp luật liên quan.
Cảm ơn luật sư!