Dân ở xã 300 năm làm nghề đi biển đua nhau treo biển bán 'cần câu cơm'
Sản lượng đánh bắt ít
Xã biển Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) có truyền thống đi biển hơn 300 năm nay. Toàn xã hiện có 640 tàu cá, trong đó có trên 400 tàu đánh cá ở vùng biển xa. Ngoài ra, có hàng trăm tàu cá đánh bắt vùng lộng (dưới 20 hải lý) theo quy định của Luật thủy sản 2017.
Trong những tháng gần đây, các ngư dân ở Cảnh Dương thường xuyên cho tàu nằm bờ không ra khơi liên tục như những năm trước; bởi lượng hải sản đánh bắt ngày càng ít, không đủ bù chi phí cho chuyến đi biển.
Tàu cá ngư dân Quảng Bình ra khơi. |
Anh Trần Thế Dương (sinh năm 1981, ở xã Cảnh Dương) chia sẻ: “Những năm trước, mỗi chuyến ra khơi trong khoảng 15 ngày, trung bình tàu tôi đánh bắt cũng hơn 1 tấn cá. Giá thương lái mua cũng dao động từ 140-160 nghìn đồng/kg. Thu nhập mỗi chuyến đi khoảng 150 triệu đồng, trừ chi phí chuyến đi chia cho mỗi ngư dân gần 10 triệu đồng.
Thời gian gần đây, tàu ra khơi, lượng cá đánh bắt được ít lắm, dân biển giờ sống không nổi. Từ đầu năm đến nay, sản lượng đánh bắt giảm hẳn. Số lượng cá đánh bắt được không đủ để trả tiền dầu, đá, thức ăn và trả công cho các bạn thuyền”.
Tàu cá nằm bờ, các chủ tàu không có nguồn thu nhập cũng như trả nợ, nhiều chủ tàu lâm vào cảnh nợ xấu, có người phải bán tàu, bán nhà để trả nợ. Người dân địa phương cũng không ngờ cái nghề đi biển có hàng trăm năm nay ở xã biển này nuôi sống bao nhiêu thế hệ, nay lại đẩy nhiều gia đình vào cảnh khốn đốn.
Anh Ngô Thanh Nhi (sinh năm 1970, ở xã Cảnh Dương) một người sống dựa vào những chuyến đi biển cho biết “Nhiều chủ tàu đang treo biển bán tàu để trả nợ. Bởi lẽ, nợ ngày càng thêm nợ, trong khi mỗi chuyến ra khơi đều lỗ”.
Đi biển thua lỗ, nhiều tàu cá phải neo nằm bờ. |
Không chỉ ở xã Cảnh Dương, tại xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), xã Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới)... nơi có hàng trăm tàu cá đánh bắt vùng khơi, nay nhiều tàu phải neo đậu trong bờ vì ra khơi thua lỗ. Khi ra khơi, chủ tàu không tìm được bạn thuyền.
Thiếu lao động đi biển
Anh Hoàng Quang Tình (sinh năm 1978, ở xã Bảo Ninh) cho rằng mỗi chuyến ra khơi thì sản lượng hải sản đánh bắt ít hơn. Tàu của gia đình anh ra biển thưa hơn trước, trong khi áp lực tiền trả nợ ngày càng tăng.
“Năm nay thời tiết rất thuận lợi, nhưng vì hải sản cạn kiệt nhiều nên sản lượng đánh bắt giảm nhiều. Tàu nằm bờ thì không biết làm gì, nên xoay xở vay mượn để mua sắm dầu đèn ra khơi. Nhiều người treo biển bán tàu, rẻ quá nên không bán lại đi cầm cố nhà cửa vay mượn tiền để ra khơi” – anh Tình cho biết.
Theo anh Tình, việc tàu nằm bờ còn có nguyên nhân là thiếu lao động đi biển: “Các chủ tàu cá ở Bảo Ninh chủ yếu sử dụng lao động trong xã hoặc ở các xã như Hải Ninh, Võ Ninh (huyện Quảng Ninh), nhưng từ đầu năm đến nay nguồn lao động khan hiếm, nên nhiều chủ tàu đành phải để tàu nằm bờ”.
Lượng hải sản đánh bắt ngày càng ít, khiến thu nhập của các thuyền viên cũng bấp bênh. Nhiều lao động đã tìm hướng đi lao động ở nước ngoài, còn số khác chuyển nghề làm trên bờ. Hiện tàu cá nào cũng thiếu người, chỉ chừng 3 đến 4 bạn thuyền, có tàu không có bạn thuyền, chỉ mỗi chủ tàu nên không thể ra khơi đánh bắt được. Nhiều ngư dân chạy đôn chạy đáo tìm lao động, nhưng rồi cũng đành nhìn những con tàu trị giá tiền tỷ nằm phơi sương bờ bãi.
Anh Trần Thế Dương (áo xanh) trên con tàu cá của gia đình mình. |
Ông Đồng Vinh Quang – Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, cho biết: “Hiện nay, đời sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn. Để thực hiện tốt việc phát triển kinh tế biển, các cấp, các ngành cần quan tâm, giúp đỡ cho ngư dân, ổn định giá thu mua hải sản và có biện pháp khơi thông cửa lạch để đảm bảo vấn đề ra vào của các tàu cá”.
Được biết, tỉnh Quảng Bình hiện có 8.157 tàu cá khai thác thủy sản trên biển và các cửa sông lớn, trong đó 1.371 tàu cá từ 90CV trở lên khai thác xa bờ. Số lượng tàu đóng mới, nâng cấp công suất lớn tăng nhanh, ngư trường khai thác chuyển mạnh sang vùng biển xa, giảm cường lực khai thác vùng ven bờ, vùng lộng.
Tuy nhiên, lượng hải sản đánh bắt được ngày càng khó khăn, lao động đi biển thiếu đang khiến ngành đánh bắt hải sản biển đứng trước thách thức không nhỏ.