Đàn bà lười mới cho chồng con ăn hàng ngày Tết?
Những người đề cao các giá trị truyền thống thường phê phán việc du xuân, ăn hàng là “trốn tết”, là lối sống thực dụng, ích kỷ.
Một chị bạn tôi ngậm ngùi kể, khi thông báo với mẹ chồng kế hoạch đi chơi hội hoa Tao Đàn vào ngày đầu năm, bà không phản đối nhưng không vui. Bà chỉ thủng thẳng nói: "Xong cúng kiếng, cơm nước, khách khứa rồi dắt con đi đâu thì đi".
Chị bảo, chỉ cần nghĩ đến việc ăn tết bên nhà chồng là chị sợ. Nhà chồng chị họ hàng rất đông. Mỗi việc tiếp chuyện từng đoàn khách đến chúc tết đã đủ mệt, chưa kể không thể tiếp đón bằng trà, bánh suông mà luôn bày biện ăn uống rất cầu kỳ.
Dù khách chỉ lác đác vài người hay cả đoàn đông người, mẹ chồng vẫn muốn bày mâm cỗ trịnh trọng để mời khách. Xong phần nấu nướng, ăn uống, tiếp khách là đến dọn dẹp. Chị là dâu ở riêng nên việc dọn rửa chén bát mặc nhiên về tay chị có lẽ vì nếp nghĩ “ngày thường đã không phải làm dâu”.
Mệt đừ nhưng quanh đi quẩn lại có mấy món quen thuộc đến phát ngấy như bánh chưng, thịt kho, măng hầm, giò chả… nên dù đói chị cũng chẳng buồn ăn. Trong khi đó, chồng chị chỉ việc nghỉ ngơi, nhậu nhẹt với họ hàng, anh em hoặc chơi bài với mọi người vì mọi việc đã có chị “bao sân”.
Tết xong ai nấy khoe lên cân vì ăn ngủ nhiều, mỗi chị sụt cân vì quá mệt mỏi. Cả năm tất bật việc cơ quan, rồi việc nhà, chỉ mong mấy ngày tết được nghỉ ngơi, nhưng tết kiểu này khiến chị chỉ mong mau hết tết để về lại nhà mình.
Hà, bạn tôi, may mắn được cả hai bên nội ngoại ủng hộ việc vợ chồng bạn sẽ du lịch vào dịp tết. Không phải vì gia đình hai bên của Hà đều ở cùng thành phố mà vì hiểu công việc thường ngày của các con rất căng thẳng, áp lực nên ông bà đều cho rằng du lịch ngày tết giúp các con “sạc” lại năng lượng sau một năm “cày cuốc” cật lực là điều rất bình thường.
Như mọi năm, Hà sẽ dành ngày mùng Một cho nhà chồng, mùng Hai cho bố mẹ mình, sau đó gia đình cô sẽ đi đâu đó cho đến khi vợ chồng đi làm, các con đi học lại.
Ngay cả khi thường ngày con cái vẫn thường xuyên về thăm, việc cả nhà du lịch xuyên tết bỏ qua việc thăm viếng ông bà, người thân rất dễ bị giận dỗi nếu không được cảm thông. Những người đề cao các giá trị truyền thống thường phê phán việc du xuân là “trốn Tết”, là lối sống thực dụng, ích kỷ…
Họ lo các giá trị truyền thống sẽ bị mai một, giềng mối gia đình phai nhạt, lỏng lẻo. Thế nên, nếu định đưa gia đình nhỏ đi ăn uống bên ngoài hay đi du xuân xa nhà, các gia đình nên thực hiện chuyến đi khi đã xong phần thăm viếng họ hàng nội ngoại để ông bà không có cảm giác bị “bỏ rơi”, con cháu vẫn duy trì những truyền thống tốt đẹp.
Giữa thời buổi ai cũng tất bật quay cuồng cả năm với chuyện cơm áo, mưu sinh và hàng ngàn mối bận tâm khác, các bậc cha mẹ cũng nên nghĩ thoáng hơn để chia sẻ với cuộc sống của con cháu. Mấy ngày tết ít ỏi là dịp duy nhất con cái được nghỉ ngơi, thư giãn, nạp năng lượng cho một năm vất vả phía trước.
Hơn nữa, con cái biết quan tâm đến bố mẹ sẽ tự thăm nom bất cứ khi nào có thể chứ không đợi tết, cũng chẳng cần ai áp đặt bằng những định kiến. Nghĩ được vậy, sẽ thấy tết ở nhà hay tết ở đâu chẳng quan trọng, ăn ở nhà hay ăn ngoài hàng cũng không nên quá câu nệ, chỉ cần tất cả mọi người đều vui.
Hiện đại, phóng khoáng chẳng đến nỗi bị công kích khi nó không ép người ta phải chịu đựng một cách khổ sở. Chúng ta có quyền tận hưởng cuộc sống theo cách riêng của mình, miễn bản thân thấy hạnh phúc và việc mình làm không ảnh hưởng tiêu cực đến ai.
Đỗ Thu Vân
Dâu mới người Hà thành "sốc" vì phải mang mấy chục cân đường, mì chính đi chúc Tết họ hàng
Tôi được xem là gái Hà thành về quê lấy chồng. Gia đình chồng tôi ở khu vực giáp ranh thành phố Thái Bình nhưng họ hàng hầu như đều ở quê cả.
Theo www.phunuonline.com.vn