Sau núi Bà Đen, đám mây hình đĩa bay xuất hiện ở núi Chứa Chan
Một đám mây lớn, trắng tinh, hình dạng tương tự chiếc nón khổng lồ hay đĩa bay bao trọn đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) - nơi được xem là "nóc nhà" Đồng Nai. Đám mây này xuất hiện từ 6h sáng và dần dịch chuyển, biến mất sau 8h.
Hiện tượng tương tự đã diễn ra trên đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) vào ngày 24/11 và nhận được sự chú ý lớn từ cộng đồng mạng. Các chuyên gia gọi đây là hiện tượng mây thấu kính.
Anh Nguyễn Hậu (Xuân Lộc, Đồng Nai) - một trong những người đầu tiên chia sẻ hình ảnh mây thấu kính trên đỉnh Chứa Chan cho biết: "Tôi đã gắn bó với đỉnh núi này nhiều năm, từng đưa du khách leo núi, ngắm biển mây lưng chừng núi nhưng chưa khi nào chứng kiến đám mây lớn, hình thù đặc biệt như vậy. Tôi rất bất ngờ khi đám mây lạ, tưởng chừng chỉ thấy ở núi Bà Đen lại xuất hiện ngay ở ngọn núi quê hương tôi".
Núi Chứa Chan nằm cách TP HCM khoảng 110 km, cao 837 m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao nhất ở Đồng Nai, cao thứ hai ở Đông Nam Bộ, sau núi Bà Đen (986 m, Tây Ninh).
Những năm gần đây, núi Chứa Chan là điểm đến yêu thích của những người mê trải nghiệm leo núi. Nơi đây có những khúc leo cheo leo, nhiều hốc đá lớn, rừng rậm nguyên sơ.
Theo ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đây là những đám mây dạng thấu kính, tương tự hiện tượng đã diễn ra trên đỉnh núi Bà Đen.
"Điều kiện thời tiết của Nam Bộ hiện tại dễ hình thành những đám mây thấu kính nhưng hình dáng đặc biệt như ở núi Bà Đen hay Chứa Chan thì không dễ gặp", ông Quyết cho biết.
Điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô mà lạnh di chuyển theo phương ngang, song song mặt đất, đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi.
Khi lớp không khí ẩm tại quả núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì nó ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau.