"Nắng Sơn Tây mây Ba Vì": Cảnh mưa nắng trái chiều ngay tại Hà Nội
Một tiểu vùng khí hậu đã được tạo ra ở khu vực núi Ba Vì có độ cao hơn một nghìn mét. Trong khi Sơn Tây có số giờ nắng trong năm cao hơn đáng kể so với vùng đồng bằng của Hà Nội.
Thống kê của ngành Khí tượng cho biết, trong nửa cuối thế kỷ XX, tổng số giờ nắng ở Sơn Tây (Hà Nội) trung bình là 1.881 giờ/năm, trong khi ở trạm Láng chỉ là 1.651 giờ. Ảnh chụp tại thành cổ Sơn Tây.
Nhiệt độ cao nhất ở Sơn Tây trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8. Tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 7, với 211 giờ và thấp nhất là tháng 3 với 52 giờ. Trong ảnh là ánh nắng chiều gay gắt tại một ngõ nhỏ ở thị xã Sơn Tây.
Nhiệt độ cao, cộng thêm gió khô nóng từ phía tây thổi qua (gió Lào) khiến không khí như thiêu đốt. Một năm Sơn Tây có 10 ngày gió Lào.
Những ngày này, trời Sơn Tây trong vắt, thỉnh thoảng có đám mây trắng lững lờ qua. Ảnh chụp tại khu vực xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).
Không chỉ nắng, mưa ở Sơn Tây cũng nhiều hơn khu vực xung quanh. Sau mưa, nhiệt độ giảm nhưng vì độ ẩm cao nên không khí oi bức, ngột ngạt.
Cũng vì cái nắng dữ dội nơi đây, các sinh viên, học viên các trường tại khu vực này còn lan truyền mấy vần thơ vui: "Nắng Sơn Tây đốt đời trai trẻ/ Mây Ba Vì che khuất cả tương lai". Ảnh chụp một buổi hoàng hôn rực rỡ tại xã Kim Sơn, phía xa là núi Ba Vì.
Núi Ba Vì càng lên cao nhiệt độ càng giảm. Tại độ cao 100m, nhiệt độ giảm khoảng 0,5 - 0,6 độ C; lên cao 400 - 600m giảm 2,5 - 3 độ C; trên 1.000m thì nhiệt độ giảm từ 6 - 7 độ C vào mùa hè.
Người dân vùng Sơn Tây nhìn núi Ba Vì có thể đoán biết được thời tiết nên có câu: "Đội mũ sớm mai, thắt đai chiều tối", có nghĩa là trời đang nắng mà thấy mây trùm lên đỉnh Ba Vì thì sáng hôm sau thế nào cũng mưa, còn mây đọng ở sườn núi tức là trời sắp mưa.
Mây là do không khí đi qua vùng nhiệt độ thấp ngưng tụ lại thành những hạt li ti. Đứng ở xa nhìn lên núi Ba Vì thấy mây dường như đứng yên, bao quanh núi.
Vào mùa hè, ở độ cao 600m trở lên, mây liên tục chuyển động lúc dày, lúc mỏng, trắng tựa bông, thi thoảng thấy le lói ánh nắng nhưng có lúc mặt trời lại bị mây che lấp.
Mùa xuân, mây nhẹ nhàng len qua kẽ lá. Vì núi gần đồng bằng nên nhiệt độ chênh lệch làm cho không khí đối lưu. Bởi vậy, mây Ba Vì không bị "cầm tù" như những vùng núi khác. Ảnh chụp tại cốt 1.000m núi Ba Vì.
Đặc biệt, thi sỹ Quang Dũng của xứ Đoài trong bài thơ "Đôi mắt người Sơn Tây", ông viết: "Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm". Và bài hát "Ba Vì mờ cao" của ông cũng nhắc đến mây Ba Vì: "Gió đưa mây lang thang lối về ngàn xưa", "Hồ mây dâng sóng dưới trăng mờ".
Mây dày đặc che phủ hoàn toàn dãy núi Ba Vì. Đây là hiện tượng thời tiết cũng thường xảy ra tại đây.
Một đám mây lớn bao quanh đỉnh núi Ba Vì trong ngày nắng gắt nhìn từ Sơn Tây.
Theo dantri.com.vn