Đám cưới ma của Trung Quốc, một tập tục có thể khiến bạn lạnh sống lưng
Theo Sina, Trung Quốc có một tập tục cổ xưa về đám cưới ma đã được thực hiện khoảng 3.000 năm. Tục lệ để giúp những người chưa kết hôn mà chết đi sẽ được tổ chức đám cưới, để họ không còn cô đơn ở thế giới bên kia.
Ban đầu, tục lệ này là chỉ được thực hiện với người chết, nhưng thời gian gần đây, đám cưới ma còn thực hiện giữa một người sống và một người chết.
Nguồn gốc của đám cưới ma
Theo ghi chép trong các sách Tam Quốc Chí, Ngụy chí, Bỉnh Nguyên Chí, cuộc minh hôn đầu tiên được biết đến diễn ra ở nhà họ Tào. Tào Xung - con trai của Tào Tháo - chết vì bệnh khi chưa cưới vợ.
Tào Tháo vì thế mà đau buồn, tìm cách cưới vợ cho linh hồn con mình, liền tìm các gia đình có con gái đã khuất, trong đó có nhà Tư Không Bỉnh Nguyên nhưng bị gia đình này từ chối.
Một thời gian sau, Tào Tháo biết tin nhà họ Chân mới có cô con gái chết yểu, liền đến đặt vấn đề xin gả cô gái cho Tào Xung.
Hai bên chọn ngày lành tháng tốt, tổ chức đám cưới ma và chôn tiểu thư nhà họ Chân cạnh mộ Tào Xung. Một số tài liệu cho thấy, tục minh hôn phát triển nhất vào thời nhà Tống.
Theo Tạc mộng lục, nếu nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm, cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ.
Trong quan niệm hôn nhân ma truyền thống, nhà gái đòi giá nặng và của hồi môn từ phía nhà trai dưới hình thức vật phẩm bằng giấy. Ở đây tuổi tác, gia cảnh rất quan trọng và các gia đình cũng thuê thầy Phong Thủy để mai mối.
Cách thức tiến hành đám cưới ma
Đối với cô dâu và chú rể đều đã chết: Trước khi bắt đầu tổ chức minh hôn, cha mẹ phải làm lễ nhờ đến “quỷ mai mối” đi dạm hỏi, sau đó xem quẻ. Nếu kết quả xem quẻ thuận lợi thì gia đình mới may áo mới cho cô dâu chú rể rồi cử hành hôn lễ.
Lễ cưới bao gồm một mâm cỗ tang cho chú rể, cô dâu và có một bữa tiệc linh đình. Hành động kỳ lạ nhất là khi họ phải đào xương của cô dâu và đặt chúng vào mộ của chú rể.
Đối với cô dâu chú rể một người chết, một người sống: Trong thời đại hiện nay, đã có trường hợp người sống kết hôn với người chết trong một nghi lễ bí mật.
Theo Huang Jingchun, trưởng khoa tiếng Trung tại Đại học Thượng Hải, giá xương của cô dâu, đặc biệt là nếu họ còn trẻ, đã tăng lên rất nhiều.
Theo nghiên cứu của ông, bộ xương có thể thu về cho gia đình 30.000 đến 50.000 nhân dân tệ. Những mức giá này cũng có thể lên tới 100.000 nhân dân tệ. Việc mua bán xác chết này đã bị cấm vào năm 2006 nhưng vẫn có những kẻ trộm mộ kiếm tiền từ nó. Ngày nay đã có những vụ sát hại phụ nữ để làm cô dâu.
Tại sao thực hiện đám cưới ma?
Trong các câu chuyện về đám cưới ma được lưu truyền, có những cuộc minh hôn xuất phát từ tình yêu của đôi trẻ khi còn sống. Nhưng cũng nhiều đám cưới ma là thủ tục tìm “bạn đời” cho người chết.
Nhiều người Trung Quốc vẫn tin rằng một chàng trai hay cô gái chưa kết hôn phải sang thế giới bên kia là một điểm xấu và gia đình họ sẽ bị xui xẻo.
Việc tổ chức một đám cưới với người âm cũng phải tiến hành như với người đang sống, không được phép bỏ qua bất kỳ một tiểu tiết nào. Bởi nhiều người quan niệm rằng, những hồn chưa được tổ chức hôn lễ sẽ rất "khó tính", nếu không "khéo chiều" thì người nhà sẽ bị họ "hành" đến hết đời.
Theo nhiều người Trung Quốc, nếu họ không hoàn thành tâm nguyện của người chết, vận rủi sẽ đến với họ. Một đám cưới ma có nghĩa là họ đang làm yên lòng người chết. Nghi lễ này được thực hành ở miền bắc và miền trung Trung Quốc, các khu vực như tỉnh Sơn Tây, Thiểm Tây và Hà Nam.
Nhưng Szeto Fat-ching, một thầy Phong thủy ở Hong Kong, nói rằng “hình thức cổ xưa của phong tục vẫn tồn tại trong các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á”.
Hạ Thảo (lược dịch)