Đám cưới “chơi ngông” của con trai tỷ phú Hải Phòng năm 1922: Rước dâu bằng máy bay, người đến ăn cỗ miễn phí còn được tặng tiền
Sự xa hoa, mĩ miều của đám cưới con trai "Vua tàu thủy" Bạch Thái Bưởi đã khiến các hãng báo chí, thông tấn không chỉ của Đông Dương mà còn của Pháp hết lời khen ngợi.
Chuyện “vua tàu thủy” Bạch Thái Bưởi làm giàu
"Nhất Sĩ, Nhì Phương, Tam Xương, Tứ Bưởi" là câu nói truyền miệng để nhắc đến những người giàu có nhất của đất Việt vào cuối thế kỷ 20. Tuy nhiên, trong An Nam tứ đại phú, chỉ có duy nhất "Tứ Bưởi", tức Đỗ Thái Bưởi (1874-1932), sinh ra trong một gia đình nhà nông nghèo ở làng An Phúc (Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, nay là Yên Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội).
Bố mất sớm, mẹ bán hàng rong, ông cũng phải nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Sau đó, ông được một gia đình giàu có họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học đàng hoàng; cũng vì vậy, ông đã đổi từ họ Đỗ sang họ Bạch để thể hiện lòng biết ơn.
"Bỏ ngang" việc học quốc ngữ và tiếng Pháp, Bạch Thái Bưởi xin làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội. Năm 1894, khi chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính, ông lần đầu được tiếp xúc với máy móc, hay cách tổ chức, quản lý sản xuất. Năm 1895, ông được chọn là người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, Pháp.
Khi trở về nước, ông xin làm giám đốc công trình cầu Long Biên. Và ngay lập tức, Bạch Thái Bưởi nhìn thấy cơ hội làm giàu của mình, ông đã hùn vốn với một người làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ để cung cấp gỗ xây dựng đường sắt cho người Pháp. Sau 3 năm, ông tách ra, kinh doanh riêng nhưng lỗ nặng.
Không bỏ cuộc, ông dùng nốt số tiền còn lại để đấu thầu hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định và đã trúng thầu. Năm 1909, sự nghiệp của Bạch Thái Bưởi "nở hoa" khi bước vào lĩnh vực vận tải đường sông. Ban đầu, ông chỉ thuê lại ba chiếc tàu của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông ở miền Bắc; sau đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các doanh nghiệp Pháp và Trung Quốc bị phá sản.
Năm 1916, ông thành lập một công ty hàng hải. Khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930, công ty có tới 2.500 nhân công và sở hữu trên 40 con tàu cùng sà lan không chỉ chạy trong nước mà còn vùng lãnh thổ lân cận như Hong Kong, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Philippines. Sau đó, Bạch Thái Bưởi đã đầu tư thành công vào ngành khai thác than và còn kinh doanh bất động sản ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Chính vì vậy, ông được mệnh danh là “Vua tàu thủy miền Bắc”.
Đám cưới đình đám khắp Đông Dương
Giàu có, lắm vợ nhiều con, nhưng 2 người con được Bạch Thái Bưởi quan tâm nhất là Bạch Thái Toàn và Bạch Thái Tòng. Tuy nhiên, Bạch Thái Toàn sau đó lấy vợ phương Tây và cũng định cư ở nước ngoài nên Bạch Thái Tòng là người được thừa hưởng toàn bộ sản nghiệp của gia đình khi cha qua đời. Đối với việc kinh doanh trong gia đình, Bạch Thái Tòng cũng đã được cha trao những trọng trách quan trọng.
Bởi vậy, đám cưới của người con trai này cũng được Bạch Thái Bưởi chăm chút nhất. Khi đó, không chỉ báo chí Đông Dương quan tâm mà các hãng thông tấn Pháp cũng hết lời khen ngợi cho đám cưới linh đình này. Chính ông cũng là người đã lựa chọn vợ cho con trai.
Đó là Nguyễn Thị Tám - con gái quan huyện Nghi hay còn gọi là cụ Cửu Nghi ở Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội, có bà ngoại là chủ vựa buôn bán vải vóc lớn nổi tiếng từ Bắc đến Nam. Gia đình Nguyễn Thị Tám vừa giàu có lại vừa "quyền cao chức trọng", riêng cô dâu vốn là người đẹp cả người, đẹp cả nết, vẻ đẹp đài các ấy từng được ví là "chim sa cá lặn", sớm được cha yêu chiều, mời hẳn thầy đồ về nhà dạy chữ quốc ngữ và tiếng Pháp, lại còn giỏi nấu ăn, thêu thùa...
Ngày 11 tháng Giêng năm 1922, đám cưới của Bạch Thái Tòng và Nguyễn Thị Tám chính thức diễn ra trong 3 ngày. Khi ấy, Bạch Thái Bưởi đã có một quyết định táo bạo, dùng máy bay riêng rước dâu từ Hà Nội về Hải Phòng. Thậm chí, trên đường bay, thiệp mời còn được rải từ trên xuống, người dân bắt được thiệp mời có thể tới ăn cỗ miễn phí và còn được tặng tiền mang về nhà.
Sau khi máy bay hạ cánh, xe ô tô còn diễu hành khắp phố phường, thu hút sự chú ý lớn. Khi ấy, ông Bạch Thái Bưởi còn là người đầu tiên ở miền Bắc sở hữu xe hơi nên đám cưới càng trở nên rình rang hơn. Số lượng tráp trong đám hỏi của nhà chú rể lên tới 20 cái, chưa kể lễ "đen" và vàng bạc phải có hàng dài người bê đỡ. Trong đám cưới, cô dâu mặc áo dài bằng gấm đỏ, được thêu hình rồng phượng bằng sợi chỉ vàng thêu.
Theo ttvn.toquoc.vn