Đắk Nông: "Tự bơi" với dịch tả heo châu Phi, dân phát hiện sự thật "động trời"
Nhiều hộ dân cho rằng, cán bộ thú y huyện Krông Nô đã làm sai quy trình lấy mẫu heo bệnh |
Điệp khúc "chết thì chôn"
Theo phản ánh của người dân, vào tháng 6/2019, đàn heo tại các thôn Nam Ninh, Nam Dao và Nam Xuân (xã Nâm N’đir, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chết đồng loạt.
Trước tình hình này, bà con nghi ngờ dịch tả heo châu Phi đã lây lan đến địa phương. Do đó, nhiều người đã nhờ cán bộ thú y huyện Krông Nô lấy mẫu heo bệnh, gửi đến Chi cục thú y vùng V (Đắk Lắk) để xét nghiệm. Tuy nhiên, tất cả các mẫu xét nghiệm do cán bộ thú y gửi đi đều cho về kết quả âm tính.
Kết quả xét nghiệm đàn heo của ông Lý Văn Hai |
Điển hình, vào ngày 16/6, ông Lý Văn Hai (thôn Nam Dao) có 1 con heo bị chết, những con còn lại bị ốm, bỏ ăn. Sau đó, ông Hai đã báo cho thú y xã và huyện đến kiểm tra, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm nhưng cho kết quả âm tính với dịch tả heo châu Phi.
Tương tự, ngày 18/6, con heo nái (đang mang bầu) của chị Nguyễn Thị Hảo (thôn Nam Xuân) bỏ ăn rồi lăn ra chết. Sau đó, chị cũng nhờ thú y xã đến kiểm tra nhưng cán bộ trả lời chị rằng, chưa biết dịch hay không, cứ đem đi chôn.
Kết quả xét nghiệm trên đàn heo của chị Hảo |
Điệp khúc heo chết, báo tin và câu trả lời “đem đi chôn” cứ lặp đi lặp lại. Đến ngày 2/7, đàn heo 21 con của chị Hảo chết sạch. Sau đó, cán bộ thú y huyện Krông Nô đến, mổ lấy mẫu heo bệnh gửi đi xét nghiệm. Ngày 4/7, kết quả từ Chi cục thú y vùng V gửi về, báo tin các mẫu heo của gia đình chị Hảo đều âm tính với dịch tả heo châu Phi.
Một hộ dân khác là bà Phạm Thị Hạt (thôn Nam Xuân) cho biết, gia đình bà có 2 trang trại, nuôi tổng cộng 71 con heo. Vào ngày 1/7, đàn heo của bà chết 1 con, những con trong chuồng đều có biểu hiện bỏ ăn, nổi mẩn đỏ, sốt…
Kết quả xét nghiệm trên đàn heo của bà Hạt lần cho thấy âm tính với dịch, nhưng sự thực thì... không phải. |
Bà Hạt cho rằng, khi đến kiểm tra, ông Huỳnh Thiện Vĩnh (Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô) kết luận, heo của bà chết do bệnh “viêm phổi dính sườn”. Sau đó, ông Vĩnh kê cho bà Hạt 1 đơn thuốc để điều trị cho heo.
Dù vậy, sáng 3/7, đàn heo của bà Hạt tiếp tục chết. Lúc này, ông Vĩnh đã đến mổ heo bệnh để lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm.
Người dân phải tự đào hố để chôn heo chết trong vườn. |
Ngày 5/7, kết quả xét nghiệm tại Chi cục thú y vùng V cho biết, mẫu heo tại nhà bà Hạt gửi đi âm tính với dịch tả heo châu Phi. Đến ngày 6/7, toàn bộ đàn heo của bà Hạt chết hết.
Nghi ngờ cán bộ thú y huyện Krông Nô làm việc tắc trách, bà Hạt đã yêu cầu lãnh đạo UBND xã Nâm N’đir cùng thú y xã, huyện vào nhà mình để chứng kiến, niêm phong việc lấy mẫu heo bệnh.
Sau đó, bà Hạt và con trai là Cao Văn Nguyễn đã tự lấy 2 mẫu heo bệnh, gửi đến Chi cục thú y vùng V (Đắk Lắk) và vùng VI (TP.HCM) xét nghiệm.
Sự thật động trời
Đến ngày 7/7, Chi cục Thú y vùng V và vùng VI gửi kết quả về và cho biết, cả 2 mẫu heo bà Hạt tự gửi đi đều cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi.
Kết quả xét nghiệm do gia đình bà Hạt tự gửi đi, có lãnh đạo UBND xã Nâm N'đir chứng kiến, niêm phong. |
Dựa trên kết quả xét nghiệm mà bà Hạt có được, UBND xã Nâm N’đir đã công bố dịch tả heo châu Phi. Do đó, bà Hạt cùng nhiều người dân rất bức xúc, muốn làm rõ việc tại sao các mẫu heo bệnh mà cán bộ thú y gửi đi xét nghiệm trước đó lại cho kết quả âm tính.
Ngoài ra, người dân cũng mong muốn chính quyền địa phương xem xét, hỗ trợ cho những gia đình có heo chết trước thời điểm có kết quả xét nghiệm từ gia đình bà Hạt.
Theo người dân, số heo chết trong địa bàn xã Nâm N’đir rất nhiều. Tuy nhiên, đa số bà con phải tự chôn lấp, tiêu hủy. Chỉ đến khi bà Hạt chứng minh được đàn heo tại xã đang bị dịch tả heo châu Phi, bà con mới được hỗ trợ. Dù vậy, thời điểm đó (ngày 7/7), nhiều thôn trên địa bàn xã Nâm N’đir đã không còn heo.
Cả 2 mẫu heo bệnh gia đình bà Hạt gửi đi đều cho kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi. |
Người dân cũng cho rằng, ông Huỳnh Thiện Vĩnh-Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô đã lấy mẫu heo bệnh không đúng quy trình.
“Khi thì ông Vĩnh đổ thuốc sát trùng vào mẫu heo bệnh, có khi lại không mang đá lạnh theo. Tôi nghĩ, cán bộ thú y làm sai quy trình mới xét nghiệm không ra vi rút dịch tả heo châu Phi. May mà bà Hạt hiểu biết, tự tìm ra sự thật. Nếu không, chúng tôi cũng chẳng biết gì”, một người dân bức xúc.
Liên quan đến vụ việc, anh Phạm Văn Hiếu, cán bộ thú y xã Nâm N’đir cho rằng, khi đàn heo của chị Hào, ông Hai, bà Hạt chết, anh có nghi ngờ về dịch tả heo châu Phi. Tuy nhiên, các mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính nên không đủ căn cứ.
Sau khi bà Hạt tự gửi mẫu đi xét nghiệm, cho kết quả dương tính thì xã Nâm N’đir mới công bố xuất hiện dịch tả heo châu Phi. Cũng lời anh Hiếu, bệnh dịch biến động theo từng ngày. Trên một đàn heo, việc hôm trước xét nghiệm không có vi rút, hôm sau có là chuyện... bình thường.
Đàn heo chết sạch, gia đình bà Hạt phải nuôi gà trong chuồng heo để cải thiện đời sống. |
Trước những tố cáo của người dân, ông Huỳnh Thiện Vĩnh, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ kỹ thuật Nông nghiệp huyện Krông Nô cho rằng, ông đã làm đúng quy trình, không đổ thuốc sát trùng vào mẫu heo gửi đi kiểm dịch. “Tôi không làm vậy, mà có đổ thuốc sát trùng vào cũng không sao, không diệt được vi rút”, ông Vĩnh nói.
Theo một lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, phía huyện đã công bố dịch tả heo châu Phi từ ngày 6/7. Trước đó, có một số xã như Đắk Đrô, Đắk Sôr, thị trấn Đắk Mâm đã công bố dịch. Những gia đình nào có heo chết từ khi cấp xã công bố dịch mới được hỗ trợ. Những trường hợp khác, heo chết chưa rõ nguyên nhân, trước thời điểm công bố dịch thì không có căn cứ để xem xét.