Đắk Nông: Nhiều chính sách hướng đến nông nghiệp, nông thôn
Tưới nhỏ giọt – công nghệ cho thời tiết khô hạn
Trong bối cảnh hạn hán ngày càng gay gắt thì việc tưới tiêu cho các diện tích cây trồng trở lên cực kỳ quan trọng. Chính vì vậy một trong những dự án được tỉnh rất quan tâm triển khai thời gian qua là lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước tại các diện tích trồng cà phê. Ban Quản lý Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Đắk Nông cho biết hiện đang hỗ trợ nông dân nhiều địa phương trong tỉnh lắp đặt hệ thống này. Tính đến nay dự án được triển khai tại 3 huyện với 11 xã trên diện tích hơn 50ha cà phê. Dự án sẽ được triển khai trong thời gian từ năm 2016 – 2020, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 200 tỷ đồng, đến thời điểm kết thúc dự án, dự kiến sẽ có khoảng 600ha cà phê được lắp đặt hệ thống này.
Nông dân tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt tiết kiệm nước. (Ảnh: Hưng Thịnh – TTXVN) |
Công nghệ tưới nhỏ giọt được triển khai là công nghệ Netafim của Israel. Đây là công nghệ khá tiên tiến, được sử dụng tại nhiều quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển. Ngoài tiết kiệm công lao động, phân bón, hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp nông dân hạn chế xói mòn, rửa trôi đất mặt.Tại xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, dự án đang tập trung hỗ trợ các hộ nông dân trồng cà phê thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đắk Nông. Chi phí mỗi ha khoảng 65 triệu đồng, trong đó, dự án tài trợ 50%, nông dân chỉ phải bỏ ra 50%. Ưu điểm công nghệ này là vừa có thể tưới nước, bón phân đồng thời tiết kiệm công lao động, vốn đầu tư và tuổi thọ của hệ thống cũng kéo dài hơn so với các công nghệ khác.
Ngoài hỗ trợ của tỉnh, lĩnh vực này còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức quốc tế. Cuối tháng 11 vừa qua Đắk Nông cùng với Đắk Lắk, Bình Thuận, Khánh Hòa và Ninh Thuận đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt khoản tài trợ hơn 100 triệu USD để lắp đặt 8 hệ thống thủy lợi hiện đại ở 5 tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán.
Hỗ trợ của ADB nhằm nâng cấp các hệ thống thủy lợi, bao gồm hệ thống đường ống nước áp lực và cấp nước theo nhu cầu. Việc này giúp cải thiện năng suất nông nghiệp, nhất là đối với những người nông dân canh tác các loại cây có giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, nho, thanh long và xoài.
Mô hình trồng ổi “siêu sạch” tại xã Quảng Khê, huyện Đắk G’long, tỉnh Đắk Nông. |
Ưu đãi lớn cho nông nghiệp công nghệ cao
Ở tầm vĩ mô, để phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao – nơi mang lại giá trị gia tăng lớn và hoạt động ổn định, tỉnh quyết định đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư. Đối với các dự án lai tạo giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản có ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử để tạo ra các cây, con mới có năng xuất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu sẽ được hỗ trợ kinh phí xây đường giao thông, hệ thống nước thải, thuê chuyên gia… còn được giao quỹ đất sạch để thực hiện dự án (Không quá 2ha). Trường hợp không có quỹ đất sạch, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí giải phóng, bồi thường (Không quá 1 tỷ đồng/dự án).
Đặc biệt các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn được ngân sách địa phương hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành. Cụ thể mức hỗ trợ sẽ bằng chênh lệch giữa lãi suất vay thương mại với lãi suất tín dụng nhà nước ưu đãi đầu tư. Thời gian được tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng đến ngày xem xét hỗ trợ (tùy từng loại hình dự án, thời gian này có thể lên đến 8 năm).
Theo số liệu của UBND tỉnh, đến giữa tháng 11, sản xuất vụ Thu Đông đạt 27.916 ha. Tổng diện tích trồng mới cây lâu năm là 8.197 ha, tăng hơn cùng kỳ 80%.Tình hình phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định và đều tăng đàn so với cùng kỳ năm 2017; tổng sản lượng thủy sản tháng 11 đạt 257 tấn; Lũy kế 5.196 tấn, đạt 107%KH. Các loại dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, thủy sản không xảy ra. |