Đắk Nông: Hừng sáng vùng biên giới Tuy Đức
Bon Bu Răng 1, xã Quảng Trực nhìn từ xa. |
Đổi thay Đắk Búk So
Đắk Búk So và Quảng Trực là hai xã vùng biên giới giáp với Campuchia thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Tại đây, tỉ lệ đồng bào người dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí còn thấp, cách nay chừng trên dưới 10 năm đời sống kinh tế của bà con và cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, khó khăn.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền tại địa phương, những bon làng nơi hai xã vùng biên giới này đã có những nét khởi sắc ban đầu, làm tiền đề cho sự phát triển bền vững mai sau.
Những cánh đồng khoai lang xanh mướt tại xã Đắk Búk So. |
Anh Điểu Suy phấn khởi vì vườn cà phê trĩu quả. |
Mới đây, PV tìm đến bon Đắk Nd’rung và bon Bù Boong (xã Đắk Búk So) để tận mắt chứng kiến những nét đổi mới trên mảnh đất biên giới này.
Theo lời người dân địa phương, trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, mì và cây ngắn ngày, cuộc sống thường thiếu đói vào mùa giáp hạt. Tuy nhiên, từ những năm 2008 trở đi, được sự hướng dẫn, động viên và hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương, bà con đã mạnh dạn đổi mới giống cây trồng, vật nuôi để tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế.
Hiện nay, những cánh đồng trên địa bàn hai bon Bù Boong và Đắk Nd’rung đã được phủ xanh bởi sắc xanh của cà phê, tiêu, bơ, khoai lang… Bên cạnh đó, một số hộ cũng mạnh dạn đầu tư, lập trang trại nuôi chim cút… với số lượng lớn, cải thiện đáng kể đời sống kinh tế.
Anh Điểu Suy - Bí thư chi đoàn bon Bù Boong xã Đắk Búk So hồ hởi cho biết: “Nhờ chính quyền hướng dẫn, hỗ trợ kĩ thuật, cây - con giống nên tôi cũng như bà con biết trồng tiêu, trồng cà phê, khoai lang… để phát triển kinh tế. Dù còn nhiều khó khăn như đường sá xa xôi, giá cả bị thương lái chèn ép… nhưng nhìn chung, đời sống người dân nơi đây đã ổn định hơn, không phải lo cái ăn từng bữa như mấy năm về trước”.
Ông Trần Trọng Đại(áo trắng), Phó chủ tịch xã Đắk Búk So đang trao đổi với PV |
Theo ông Trần Trọng Đại, Phó chủ tịch xã Đắk Búk So, bon Đắk Nd’rung và bon Bù Boong là hai bon đặc biệt khó khăn với hơn 90% dân số là đồng bào bản địa người M’Nông, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán canh tác còn nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hàng năm, xã đã cấp cây, con giống và tổ chức tập huấn, hướng dẫn kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt để giúp bà con có thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện, cho con em của hai bon được đi học các lớp nguồn về kĩ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi để nâng cao trình độ, kĩ thuật canh tác.
Màu xanh trên vùng biên Quảng Trực
Năm 2012, bon Bu Răng 1 xã Quảng Trực được thành lập từ Dự án ổn định dân cư biên giới huyện Tuy Đức. Tại đây, có tổng cộng 80 hộ dân sinh sống và đã được chính quyền xây nhà, cấp đất, hỗ trợ cây giống, vật nuôi để phát triển kinh tế.
Một góc bình yên tại xã vùng biên Quảng Trực |
Dù mới thành lập nhưng nhờ sự quan tâm, hỗ trợ sát sao của chính quyền các cấp, hiện nay, đời sống của các hộ dân tại bon Bu Răng 1 đã hoàn toàn khởi sắc, khác hẳn so với trước.
Anh Điểu Plao (người dân bon Bu Răng 1) sau khi dẫn PV đi thăm vườn Mắc Ca xen canh tiêu và cà phê của mình cho biết, mấy năm trước gia đình anh sống ở bon cũ, phải lo chạy ăn từng bữa. Thế nhưng, từ khi ra lập nghiệp, định cư tại Dự án ổn định dân cư biên giới xã Quảng Trực, anh đã được hỗ trợ nhiều thứ và học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm về trồng trọt, chăn nuôi.
Anh Điểu Plao hồ hởi vì vườn mắc ca đã cho lứa trái đầu tiên. |
“Nhờ nhà nước, chính quyền quan tâm, giờ gia đình tôi thu nhập cũng ổn; mắc ca, cà phê và cả tiêu đang bắt đầu cho thu hoạch. Tôi thấy phấn khởi lắm, ngày xưa ở bon cũ không được như thế này đâu”, anh Điểu Plao phấn khởi.
Theo ông Điểu Toi-Bí thư chi bộ bon Bu Răng 1, bà con nơi đây rất biết ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tại địa phương đã dành nhiều ưu tiên, tạo điều kiện để bon làng ngày càng phát triển.
“Giờ bà con vui lắm, không lo đói nữa. Ở đây vùng sâu vùng xa, giáp biên giới nhưng mọi thứ từ điện - đường - trường - trạm đều được đầu tư xây dựng. Ngày xưa, chúng tôi ở một nơi, đi làm một nơi, vừa xa xôi vừa tốn kém. Thế nhưng, từ ngày chuyển đến đây, chúng tôi làm việc gần nhà, rất tiện để chăm sóc cây trồng và cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện”, ông Điểu Toi chia sẻ.
Trụ sở Đảng ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Quảng Trực |
Ông Đoàn Hồng Quân - Chủ tịch xã Quảng Trực cho biết, trên địa bàn bon Bu Răng 1 có khoảng 100 ha cây mắc ca. Hiện nay, tất cả diện tích này đều phát triển tốt và đang cho ra bói. Dù vậy, chính quyền vẫn tiếp tục hướng dẫn và hỗ trợ bà con trồng xen canh thêm các cây khác như tiêu, cà phê để tận dụng quỹ đất, nâng cao thu nhập cho bà con.
"Quảng Trực là xã vùng biên giới nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền các cấp từ Trung ương đến địa phương, hiện nay ngoài các vấn đề an sinh xã hội... nhiều công trình trong xã như điện, đường, trường, trạm phục vụ nhu cầu người dân được xây dựng kiên cố.. bà con nhân dân rất phấn khởi và cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều.." ông Quân vui mừng cho biết.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long - Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, huyện mới thành lập được 10 năm, với xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng kém và đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, huyện Tuy Đức đã từng bước khắc phục khó khăn về mọi mặt. Bên cạnh những kế hoạch phát triển về kinh tế, UBND huyện cũng thường xuyên chăm lo cho đời sống người dân, có những hỗ trợ thiết thực đối với người có công cách mạng, người nghèo, neo đơn…
Trong chặng đường 10 năm từ khi thành lập huyện, hai xã vùng phên dậu của Tổ Quốc là Quảng Trực và Đắk Búk So, huyện Tuy Đức đã thực sự thay da đổi thịt. Đặc biệt trong khoảng 5 năm gần đây, cuộc sống nơi cùng biên ải Tuy Đức thực sự đã khác hẳn so với trước, người dân đang từng ngày phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống một cách vững vàng theo đường lối chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.