Đại lộ Thăng Long: Hàng tỷ đồng ‘hóa’... củi
Nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, đường cao tốc Láng – Hòa Lạc được bàn giao cho TP. Hà Nội và đổi tên thành Đại lộ Thăng Long. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 2 năm chính thức đưa đường vào sử dụng, hàng nghìn cây xanh được trồng bên Đại lộ Thăng Long đã biến thành … củi; đặc biệt là đoạn từ Song Phương (Hoài Đức) đến Hòa Lạc.
Trả lời câu hỏi của PV Infonet về vấn đề hàng loạt cây chết bên Đại lộ Thăng Long, ông Nguyễn Minh Lương – Trưởng phòng Quản lý dự án 4 Ban quản lý dự án Thăng Long, đại điện chủ đầu tư, cho biết: “Cây xanh trồng bên Đại lộ Thăng Long là Lát hoa, đã trồng xong từ tháng 5, tháng 6 năm 2012 với tổng giá trị hơn 10 tỷ đồng nhưng do đặc thù của Lát hoa là cây chịu hạn nên qua mùa mưa, cây bị úng chết. Hiện Ban quản lý dự án Thăng Long đang chỉ đạo đơn vị thi công thay thế cây đã chết vì vẫn đang trong thời gian bảo hành”.
Theo ý kiến của đại diện chủ đầu tư, PV Infonet đã dành nửa ngày để quan sát, tìm hiểu hệ thống thoát nước của Đại lộ Thăng Long và thấy rằng ở mỗi ‘dải phân cách xanh’ trên Đại lộ đều có một hệ thống rãnh thoát nước đã được bê tông hóa, cây xanh được trồng trên sườn dốc của các làn đường nên không có chuyện úng, ngập làm cho cây bị chết.
Để nắm rõ hơn về số lượng, trị giá cây đã bị chết và kế hoạch xử lý số cây chết bên Đại lộ Thăng Long, PV Infonet đã đặt lich làm việc với Tổng công ty VINACONEX, tổng thầu xây lắp dự án mở rộng nâng cấp đường cao tốc Láng – Hòa Lạc, nhưng đến nay, sau một tuần làm việc vẫn không nhận được câu trả lời nào.
Trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Chính Nghĩa ở Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội bùi ngùi: “Trông mà tiếc chú ạ. Ngày xưa dân gian có câu “Hoan hô các cụ trồng cây, mười cây chết chín một cây gật gù” nhưng trên Đại lộ Thăng, có những đoạn “mười cây chết cả gật gù ở đâu””!
Đếm số cây bị chết khó hơn đếm số cây còn sống |
Cỏ dại um tùm vây lấy cây |
Cây còn sống thì mọc ngang |