Đại đức Thích Lệ Minh: Thay vì mua vàng mã nên dùng tiền này giúp đỡ người nghèo
Đốt nhiều vàng mã chỉ có hại chứ không có lợi |
Đại đức Thích Lệ Minh, trụ trì chùa Thiện Mỹ (quận 5, TP.HCM) cho biết, tục đốt vàng mã không phải là quan niệm của đạo Phật, cũng không phải là tín ngưỡng văn hóa người Việt Nam, mà nó có nguồn gốc từ Trung Hoa.
Tục này bắt đầu từ thời nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: "Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn", nghĩa là "thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn" và cho rằng người mất vẫn có những nhu cầu như kẻ còn sống về tiền bạc, nhà cửa, thực phẩm... Vì thế, khi nhà vua băng hà, quan lại phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan.
Từ đó mới nảy sinh ra việc đào trộm mộ những người giàu có để ăn trộm vàng bạc, châu báu. Ngay mộ của vua Hán Văn Đế cũng bị đào trộm.
Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dần việc đốt vàng mã trở thành tập tục.
Với quan niệm sau cái chết, con người cũng có nhu cầu như khi đang ở dương thế, một số người sắm đủ thứ vàng mã đốt cúng nhân ngày giỗ hoặc các dịp lễ như ngày mùng 1, ngày Rằm, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, Tết Nguyên đán..., để người đã chết sử dụng ở cõi âm.
Nếu như trước kia vàng mã chỉ là quần áo, tiền vàng thì ngày nay, đồ vàng mã ngày càng cầu kỳ với đủ hình dáng, từ nhà lầu, xe hơi, máy lạnh, điện thoại di động, tivi, tủ lạnh, tiền mô phỏng đô la… để đốt cho người đã chết. Nhiều người cho rằng, đốt càng nhiều vàng mã thì sẽ càng được phù hộ độ trì, làm ăn phát đạt.
Đại đức Thích Lệ Minh chia sẻ: "Thay vì mua vàng mã để đốt, con cháu hãy dùng số tiền này đi mua vật thực giúp cho người nghèo, người kém may mắn hơn mình rồi hồi hướng cho người đã mất. Nếu làm được như vậy thì cả người sống và người chết đều có phước. Còn mua vàng mã, tiền giấy đốt thì không chỉ làm hại người chết mà người sống cũng mắc tội mê tín, lãng phí.
Muốn được về nơi an ổn sau khi chết thì không có cách nào khác là tu dưỡng nội tâm, thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý và làm nhiều việc lành"
Bà Hồ Thị Mỹ (70 tuổi), làm công quả ở chùa nhiều năm tâm sự: "Sau thời gian gắn bó với chùa, nghe thầy giảng dạy lợi ích của việc không đốt vàng mã, gia đình tôi ở quê cũng bỏ thói quen này. Mình cứ nhắm mắt tưởng tượng đang đốt vàng mã thì coi như mình đã đốt rồi, để dành tiền đó làm từ thiện có ý nghĩa hơn rất nhiều lần”.