Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Thăng về phí bảo trì đường bộ
Đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Thăng về phí bảo trì đường bộ
Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, tại buổi tiếp xúc với các doanh nghiệp vận tải và logistics mới đây, hầu hết các doanh nghiệp đều không đồng tình với việc thu phí bảo trì đường bộ.
Đa số cử tri tại TP.HCM không đồng tình với việc thu phí bảo trì đường bộ - Ảnh Duy Nguyên |
Phí bảo trì đường bộ thu cào bằng cả phương tiện cơ giới, ô tô, đầu kéo, sơmi rơmoóc và rơmoóc. Đặc biệt, có một doanh nghiệp cho biết, doanh nghiệp có 700 rơ moóc, nếu phải đóng phí thì số tiền rất lớn. Mà tự thân rơ moóc thì đâu thể chạy được, vừa phải đóng phí đầu kéo, vừa phải đóng phí rơ moóc là không hợp lý.
“TP.HCM là nơi tập trung nhiều nhất các phương tiện cơ giới và các doanh nghiệp. Thu phí kiểu này sẽ là một gánh nặng cho doanh nghiệp và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế TP”, ông Trần Du Lịch lo lắng.
Bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho rằng, thông thường, làm một cơ chế chính sách mà ảnh hưởng trực tiếp đến người dân thì phải lấy ý kiến rộng rãi của địa phương, người dân trước khi ban hành. Nhưng quỹ bảo trì đường bộ theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP lại không lấy ý kiến địa phương, người được hưởng lợi từ chính sách này. Như vậy khó triển khai thành công.
“Rất mừng là đã dời ngày thu phí từ ngày 1/6/2012 đến đầu năm 2013. Từ nay đến năm 2013, dư luận có đủ thời gian để phản ánh tính đúng sai của việc thu phí. Đề nghị Bộ GTVT phải lấy lại ý kiến sâu rộng của người dân trước khi thu”, bà Lan nói.
Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó Chánh án, Tòa án nhân dân TP.HCM cho rằng, nếu cần khoản tiền làm đường thì Luật giao thông đường bộ có quy định rõ là lấy từ ngân sách. Nếu ngân sách không đủ thì phải điều chỉnh từ nguồn thu ngân sách chứ không phải đè ra thu phí. Làm như vậy là trái luật.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cũng đồng tình: “Nghị định đưa ra mà trái luật thì phải xem xét lại. Luật là trên hết, khi đã trái với luật thì không nên triển khai. Còn nếu thấy cần thiết phải tăng thêm nguồn thu thì phải trình lên Quốc hội để Quốc hội xem xét, điều chỉnh”.
Đại biểu Huỳnh Thành Lập, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho biết: “Tất cả 33 cuộc tiếp xúc cử tri trên địa bàn TP.HCM trong thời gian vừa qua, nơi nào cũng phản ánh về quản lý của Bộ GTVT. Ghi nhận ý kiến cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM sẽ có phát biểu chính thức không đồng tình việc thu quỹ bảo trì đường bộ và sẽ đặt câu hỏi chất vấn Bộ GTVT tại kỳ họp Quốc hội sắp tới”.
Đại biểu Trần Du Lịch cũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ chất vấn Bộ trưởng Thăng về vấn đề này”.
Đại biểu Trần Du Lịch còn cho biết thêm, không riêng phí bảo trì đường bộ, cử tri TP còn quan tâm 3 vấn đề chính của ngành giao thông mà nếu không khắc phục được thì dân không có tiền đâu gánh nổi chi phí. Thứ nhất là xây dựng chất lượng kém, giá thành cao. Thứ hai, vừa đi đã hỏng, tiền đâu bảo trì, bảo dưỡng. Thứ ba, làm dàn trải, không hiệu quả, kéo dài thời gian thi công, kéo chi phí tăng lên.
Duy Nguyên