Đà Nẵng: Trưởng phòng Quy hoạch "khiếp sợ" câu “cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp”
Phải quyết tâm lắm mới bảo vệ được các điểm nhấn kiến trúc
Tại hội thảo “Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” mới đây, KTS Bùi Huy Trí, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch phát triên đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) đã chia sẻ những suy nghĩ về quy hoạch và kiến trúc thành phố Đà Nẵng hiện nay.
KTS Bùi Huy Trí phát biểu tại hội thảo "Đà Nẵng – 20 năm quy hoạch và phát triển đô thị” (Ảnh: HC) |
Trong đó, KTS Bùi Huy Trí cho biết, kiến trúc Đà Nẵng chưa thể gọi là “có bản sắc” nhưng ít nhất cũng đạt đến mức “có đặc điểm”. Đó là tính trật tự của kiến trúc đô thị Đà Nẵng tương đối tốt. “Trước hết là như thế đã, rồi dần dần sẽ có những công trình đặc sắc!” – KTS Bùi Huy Trí nói.
“Tất nhiên trên thực tế, nhiều lúc cũng phải cân nhắc, cũng phải lung lay, cũng phải quyết tâm lắm mới bảo vệ được mạng lưới điểm nhấn kiến trúc này!”.
Sợ khiếp luôn mỗi khi nghe câu “cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp”!
Theo KTS Bùi Huy Trí, nói về mô hình phát triển của đô thị Đà Nẵng thì còn tụt hậu và khác xa các mô hình đô thị tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt là tư duy về phát triển hiện đại chưa có được vị thế chủ đạo trong dòng tư duy xã hội ở Đà Nẵng.
“Nhiều nhà đầu tư ở Đà Nẵng hầu như chỉ thiên về lợi ích ngắn hạn. Trong khi đó, có những cá nhân ở những vị trí khác nhau đâu đó cũng không có tầm nhìn dài hơi. Đó là một vấn đề rất đáng ngại!” – KTS Bùi Huy Trí nhấn mạnh.
Biểu hiện của điều này, KTS Bùi Huy Trí chỉ ra, là Đà Nẵng từng tạo ra được quỹ đất rất lớn nhưng khi khai thác thì hầu như chỉ có một kiểu phổ biến nhất là chia lô, bán lô một lần thay vì tạo được hàng trăm, hàng nghìn lô đất lớn vài hecta trở lên để trở thành động lực cho phát triển kinh tế, tạo ra nguồn thu lâu dài.
“Và có một thực tế mà chúng tôi rất mong lãnh đạo TP hết sức lưu tâm là hiện nay có một số nhà đầu tư chuyên đi săn tìm các lô đất lớn để xin chia lô. Ở vị trí người quản lý, chúng tôi có một điều rất sợ. Đó là mỗi khi nghe câu “cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp”! Mỗi lần nghe câu này là chúng tôi sợ khiếp luôn. Cứ “hỗ trợ doanh nghiệp” như vậy thì nảy sinh rất nhiều thứ mà đáng ra phải khác!” – KTS Bùi Huy Trí nói nhưng dường như không tiện lột tả hết mọi vấn đề giữa cuộc hội thảo.
Các nhà chính trị cần phải có khát vọng lớn lao
Ông cũng cho biết, có thêm một xu thế nữa trong sử dụng đất của các chủ đầu tư. Đó là họ không xin chia lô nhưng xin... thay đổi mục đích sử dụng đất. Lẽ ra đó là khách sạn cao cấp để góp phần thúc đẩy du lịch Đà Nẵng phát triển, hướng đến lượng khách ở phân khúc cao thì lại đang có xu thế rất phổ biến là các nhà đầu tư đua nhau xin làm theo dạng condotel (căn hộ - khách sạn), time & base (căn hộ cho thuê lại).
“Những dạng này rất tiện lợi cho những người có tiền để mua. Nhưng đối với phát triển đô thị thì cần phải nhìn nhận cho rõ, có sự cân đối, định lượng ở mức độ nào là vừa, chứ hiện nay hầu hết đều làm theo kiểu này thì dần dần du lịch Đà Nẵng sẽ là dạng du lịch bình dân. Cần phải đặt vấn đề du lịch Đà Nẵng có nên tập trung ở phân khúc du lịch bình dân hay không? Cá nhân tôi cho rằng không nên như thế. Du lịch Đà Nẵng phải tập trung vào các phân khúc cao hơn chứ không phải cần số lượng quá nhiều!” – KTS Bùi Huy Trí nói.
Theo ông, đã đến lúc Đà Nẵng cần thay đổi tư duy quy hoạch theo kiểu “hoa chăm, cỏ xén”, còn quản lý cũng theo kiểu “lặt cỏ, bắt sâu” trong một bộ khung đã định sẵn mà cần có tư duy mới, vượt tầm, đột phá về phát triển đô thị để hướng tới đưa Đà Nẵng trở thành một đô thị hiện đại, theo kịp các đô thị tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.
“Muốn như vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là các nhà chính trị phải có một khát vọng lớn lao và hướng tới một kịch bản về phát triển đô thị Đà Nẵng cho giai đoạn mới. Kịch bản này không đơn thuần là một quy hoạch ngành, thậm chí không phải quy hoạch chung mà đó là quy hoạch tổng thể của tất cả các ngành. Đà Nẵng sẵn sàng bỏ những món tiền không hề nhỏ để tổ chức các cuộc thi tuyển các đồ án quy hoạch cụ thể. Điều đó là tốt, nhưng tại sao chúng ta không nghĩ đến việc tổ chức cuộc thi về kịch bản phát triển đô thị cho Đà Nẵng trong 20, 30 hay 50 năm tới?” – KTS Bùi Huy Trí đặt vấn đề.
“Mỗi lần ra nước ngoài, đi đến các nước tiên tiến, khi trở về là mất mấy ngày có cảm giác oải khi nhìn lại đô thị của mình. Lại phải hít thở, khởi động lại thì mới hứng khởi làm việc được, chứ cảm giác khi mới đi về thấy nó ngổn ngang, nó mệt mỏi, nó oải người ghê lắm!” – KTS Bùi Huy Trí thổ lộ.