Đà Nẵng: Trình diễn pháo hoa quốc tế 2015 có các ý tưởng mới
Tại cuộc họp, bà Nguyễn Lê Phương Thảo, Giám đốc Công ty TNHH Vietart Media đề xuất hai phương án. Phương án 1 là thực hiện như các năm trước, TP Đà Nẵng sẽ chủ trì tất cả các hạng mục của DIFC 2015, Vietart Media chỉ đảm nhận việc quảng bá và vận động tài trợ.
Có thêm nhiều đề xuất hứa hẹn đem lại nhiều điều mới mẻ, đặc sắc cho DIFC 2015 (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên, để giảm bớt gánh nặng về chi phí đối với TP và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đủ năng lực đứng ra đảm nhận công tác tổ chức cuộc thi, bà Phương Thảo đề xuất phương án 2 theo hướng xã hội hóa mạnh mẽ hơn, giao cho doanh nghiệp thực hiện phần lớn công việc. Theo đó, Vietart Media sẽ đảm nhận tổ chức cuộc thi, TP Đà Nẵng chỉ hỗ trợ một số nội dung mà doanh nghiệp không thể thực hiện được như an ninh trật tự, vận chuyển pháo, cấp cứu, các loại giấy phép…
Với phương án 2, cuộc thi sẽ diễn ra trong 5 đêm, từ 29/4 đến 3/5/2015. Đêm đầu tiên và đêm cuối sẽ là chương trình trình diễn nhạc nước và ánh sáng nghệ thuật trên sông Hàn do một đơn vị được mời từ Đức thực hiện, 3 đêm còn lại tổ chức trình diễn pháo hoa cho 6 đội dự thi. Tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 36,2 tỉ đồng sẽ được lấy từ nguồn bán vé (mức giá từ 500.000 - 2.000.000 đối với chương trình pháo hoa, từ 150.000 - 300.000 đồng đối với chương trình nhạc nước), vận động tài trợ và một phần hỗ trợ của UBND TP Đà Nẵng (khoảng 5 tỉ đồng, trong đó 70% chi cho đơn vị tư vấn nhạc nước).
Ngoài ra, Vietart Media cũng đề xuất phối hợp với một số đơn vị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trong khoảng thời gian 3 - 6 tháng trước, trong và sau khi diễn ra DIFC 2015 tại một số địa điểm như Công viên Biển Đông, vỉa hè đường Trần Hưng Đạo (gần cầu Sông Hàn và cầu Rồng), Bạch Đằng (đối diện khách sạn Novotel), quảng trường trước Nhà hát Trưng Vương, quảng trường 29/3…
Nhiều đại biểu dự họp tán thành việc ưu tiên xem xét phương án xã hội hóa nhưng UBND TP Đà Nẵng cần chỉ đạo Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Cục Thuế… thẩm định năng lực hoạt động, năng lực tài chính của doanh nghiệp; dự thảo hợp đồng với các điều kiện cam kết chặt chẽ để bảo đảm đạt kết quả tốt nhất; thống nhất về các chi phí thực hiện, phân tích đầy đủ tính hiệu quả giữa phương án cũ và mới.
Cũng tại cuộc họp chiều 29/5, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng cho hay, do uy tín của DIFC ngày càng tăng cao nên ngoài Công ty Global 2000 – Malaysia (đơn vị thực hiện 6 cuộc thi trước), hiện có thêm 6 đơn vị tư vấn có hồ sơ đăng ký thực hiện DIFC 2015. Trong đó nổi lên ứng cử viên nặng ký là Công ty Simmetrico Network (Italia).
Công ty Simmetrico Network đề xuất phương án lập bãi bắn pháo hoa trên các sà lan đặt giữa sông thay vì chỉ ở bờ Tây sông Hàn như trước đây để tạo điều kiện cho khán giả đứng ở hai bên bờ sông đều có thể thưởng thức thuận lợi. Bên cạnh đó, ngoài phần nhạc nền riêng, mỗi đội tham dự cũng phải sử dụng chung 1 đoạn nhạc ngắn để khán giả thấy được sự thể hiện khác nhau của các đội.
Tại buổi làm việc, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu Sở Tài chính, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng và các đơn vị liên quan cùng Vietart Media thảo luận, lập bảng khái toán và phân tích hiệu quả của từng phương án để trình lãnh đạo TP xem xét. Trong đó lưu ý chi phí phát sinh của các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, chi phí truyền thông và các hoạt động phụ trợ.
Về giá vé, ông Huỳnh Đức Thơ yêu cầu điều chỉnh xuống mức thấp hơn nhằm tạo điều kiện cho nhiều du khách, người dân có cơ hội thưởng thức các màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật, đồng thời nên rút ngắn bớt thời gian tổ chức DIFC 2015 so với đề xuất của Vietart Media. Ông cũng yêu cầu Sở Ngoại vụ khẩn trương mời 2 đơn vị tư vấn Global 2000 và Simmetrico đến Đà Nẵng để thuyết minh, giới thiệu các phương án thực hiện với lãnh đạo TP.
Dự kiến trước ngày 15/6, lãnh đạo TP Đà Nẵng sẽ họp, xem xét, quyết định toàn bộ kế hoạch tổ chức DIFC 2015 để sớm triển khai thực hiện chương trình.