Đà Nẵng thừa nhận thiếu chiến lược dài hạn về môi trường
Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Nguyễn Điểu: "TP chưa có chiến lược hoặc quy hoạch bảo vệ môi trường mang tầm dài hạn!" - Ảnh: HC |
"Năm 2011, Đà Nẵng là địa phương duy nhất của Việt Nam đạt danh hiệu "TP bền vững về môi trường ASEAN" - ông Nguyễn Điểu cho biết. Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn thì tiếp tục nhắc đến việc Đà Nẵng vừa được Diễn đàn Hợp tác châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại hội nghị năng lượng lần thứ 44 tổ chức tại Washington (Mỹ) công nhận là 1 trong 20 TP có hàm lượng carbon thấp nhất thế giới.
Trong khi như báo điện tử Infonet ngày 11/12 đã nêu, thực chất tại hội nghị kể trên, Đà Nẵng mới chỉ được chọn vào danh sách 20 TP trên thế giới thực hiện thí điểm mô hình “TP Carbon thấp” từ nay đến 2020. Trước đó, ngày 6/12, phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5 HĐND TP Đà Nẵng, chính Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Bá Thanh cũng bày tỏ nghi ngại: "Không biết mấy ổng chấm kiểu chi mà tui thấy chưa sướng lắm. Mấy ổng mà tới chỗ hôm trước tôi với anh Trần Văn Huy (Bí thư Quận uỷ Thanh Khê) lội vô ở gần ven sân bay thì chắc không chấm điểm Đà Nẵng đâu!".
Hẳn nhiên không thể phủ nhận những nỗ lực và kết quả đáng khích lệ mà Đà Nẵng đã đạt được qua 3 năm triển khai thực hiện đề án "Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường". Chính từ sự nỗ lực đó mà như ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đề án đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ nhiều nước như Canada, Hoa Kỳ, CHLB Đức... cùng nhiều tổ chức quốc tế như Quỹ Môi trường toàn cầu, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA)...
Tuy thế, việc "say sưa" với những danh hiệu (mà đôi khi chưa thật chính xác hoặc chưa được hiểu một cách chính xác) sẽ rất dễ dẫn Đà Nẵng tới tâm lý chủ quan, tự hài lòng với những kết quả ban đầu mà quên mất rằng con đường để trở thành một "TP Môi trường" đúng nghĩa vào năm 2020 vẫn còn rất xa, dù đến nay đã hết thời hạn của giai đoạn 1 (chiếm 1/4 tổng quỹ thời gian thực hiện đề án).
Rất may tại hội nghị ngày 21/12, Sở TN-MT Đà Nẵng đã sớm nhận ra: "TP chưa có chiến lược hoặc quy hoạch bảo vệ môi trường mang tầm dài hạn. Vấn đề môi trường chưa thật sự lồng ghép vào quy hoạch sử dụng đất theo đúng nghĩa. Do vậy, ô nhiễm nước thải, khí thải, mùi hôi do hoạt động công nghiệp đã diễn ra hết sức phức tạp mà nguyên nhân sâu xa là thiếu sự đầu tư xử lý môi trường đồng bộ, bố trí ngành nghề và quy hoạch chưa hợp lý. Các dự án khai thác khoáng sản chưa chú trọng phục hồi môi trường sau khai thác".
"Đề án xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường đề ra viễn cảnh chung là tất cả người dân TP, các tổ chức, cá nhân sinh sống và làm ăn tại Đà Nẵng đều có ý thức bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, làm cho ý thức bảo vệ môi trường trở thành thói quen đi sâu vào nếp sống của mọi tầng lớp trong xã hội. Thế nhưng thực tế là chưa có sự đồng đều về nhận thức và hành vi, nên vẫn còn tình trạng vứt rác ra đường, vứt xác xúc vật chết ra ao hồ, thải chất thải bừa bãi, tiểu tiện không đúng nơi, chưa có tập quán hoả táng... gây ảnh hưởng đến môi sinh" - ông Nguyễn Điểu nói.
Chính từ những thực tế nêu trên, Đà Nẵng đã đưa ra lộ trình xây dựng TP môi trường giai đoạn 2013 - 2015 với các mục tiêu cụ thể cho cả môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất... và đề xuất hàng chục nhiệm vụ, dự án ưu tiên với kinh phí đầu tư dự kiến lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.