Đà Nẵng: Tái thả vào rừng cá thể mèo rừng thuộc loại nguy cấp, quý hiếm
Cá thể mèo rừng này được anh Lâm Văn Thiên (sinh năm 1992 tạm trú tại 54 Ngô Thì Nhậm, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) phát hiện đi lạc vào vườn nên bắt giữ giao nộp cho Cảnh sát môi trường. Ngày 8/4, cá thể mèo rừng này đã được Cảnh sát môi trường và kiểm lâm Đà Nẵng tái thả vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Đây cũng là cá thể mèo rừng thứ 5 được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng tái thả vào rừng Sơn Trà từ năm 2010 đến nay.
Cá thể mèo rừng vừa được kiểm lâm và cảnh sát môi trường Đà Nẵng tái thả vào Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (Ảnh do Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cung cấp0 |
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, mèo rừng có tên khoa học là Felis bengalensis, thuộc bộ thú ăn thịt (Carnivora). Loài này sống ở nhiều môi trường khác nhau, phổ biến nhất là nơi có độ che phủ rừng cao, gần các đầm lầy; có phân bố rộng ở châu âu, châu phi và châu á. Ở vùng Đông Nam Á, mèo rừng có mặt trong các khu rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.
Mèo rừng hiện được xếp vào danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Cũng như nhiều loài động vật hoang dã khác, hiện nay mèo rừng đang đối mặt với tình trạng suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên do bị bẫy, bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép.
Trước đó, ngày 8/3, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng đã lập thủ tục chuyển giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn 01 cá thể Voọc chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), giống đực, cân nặng 02kg, còn trong giai đoạn bú sữa mẹ, để nuôi dưỡng, nhân giống bảo tồn gen. Cá thể Voọc non này được ông Nguyễn Cảnh (thường trú tại thôn 1, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) phát hiện bị lạc mẹ trong vườn rừng của mình nên đã bắt giữ chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm ngày 5/3 để quản lý, cứu hộ.
Đây là cá thể Voọc sơ sinh thứ ba có xuất xứ từ các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-Núi Chúa và Sơn Trà được Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chuyển giao cho Thảo Cầm viên Sài Gòn kể từ năm 2010 đến nay.Hai cá thể Voọc trước đó đã được Thảo Cầm viên Sài Gòn nuôi dưỡng thành công trong môi trường có kiểm soát, trong đó một cá thể đang được ghép đôi với một cá thể khác của Thảo Cầm viên để chuẩn bị cho giai đoạn sinh sản.
Theo Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng, kết quả phối hợp giữa cơ quan này với Tổ chức bảo tồn Voọc vá quốc tế (Douc Langur Foundation) về giám sát quần thể Voọc chà vá chân nâu tại Sơn Trà từ năm 2008 đến nay cho thấy số lượng Voọc đã tăng từ 300 cá thể điều tra ban đầu (2006) lên khoảng 700 cá thể hiện nay (2016).
Số cá thể Voọc non từ 1 đến 3 năm tuổi chiếm số lượng đáng kể, phù hợp với cấu trúc tuổi trong các đàn Voọc. Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cũng đã ghi nhận hiện có một số đàn Voọc chà vá chân nâu ở các khu rừng Nam Hải Vân, Sông Nam, Sông Bắc và Bà Nà của TP Đà Nẵng.
Được biết, Voọc chà vá chân nâu thuộc phân họ Khỉ ăn lá (Colobinae), là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam và Lào và cũng là một trong những loài linh trưởng nguy cấp, quý, hiếm của thế giới đang được pháp luật Việt Nam và Công ước Quốc tế CITES ưu tiên bảo vệ.