Đà Nẵng: Sớm đề nghị Bộ TN-MT, Quảng Nam chỉ đạo thủy điện "cứu" nhiễm mặn
Khả năng nhiễm mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài
Ngày 11/9, Ban đô thị HĐND TP Đà Nẵng cho biết vừa có báo cáo giám sát về tình trạng thiếu nước sinh hoạt và nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nặng xảy ra gần đây trên địa bàn TP. Theo đó, từ ngày 31/8 đến ngày 5/9, độ mặn thường xuyên của nguồn nước thô tại cửa thu nước Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ dao động ở mức 260 đến 2.000 mg/l, cao nhất là 2.019 mg/l vào lúc 9h00 ngày 5/9, nghĩa là nhiễm mặn gấp 10 lần so với quy chuẩn.
Do nước sông Cầu Đỏ nhiễm mặn nghiêm trọng nên không đủ nước thô cho NMN Cầu Đỏ xử lý để cung cấp nước sạch cho người dân TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Để đảm bảo nguồn nước thô cho NMN Cầu Đỏ và NMN Sân Bay, Dawaco phải kết hợp việc lấy nước tại cửa thu Cầu Đỏ và bơm nước thô từ Trạm phòng mặn An Trạch. Tuy nhiên, công suất của trạm An Trạch chỉ đáp ứng 70% công suất cấp nước hiện nay, dẫn đến tình trạng không đủ nước thô để xử lý. Do đó lượng nước sạch cấp vào mạng lưới giảm 50.000 - 70.000m3/ngày khiến khu vực cuối nguồn các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Liên Chiểu nước rất yếu.
Đáng nói là ngay trong thời gian này, khi nguồn nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn ngày càng nặng thì kết quả quan trắc tại trạm khí tượng thủy văn Ái Nghĩa cho thấy mực nước chỉ ở mức 2,52m, thấp hơn mực nước trung bình 3,51m so với cùng kỳ nhiều năm. Điều này đang gióng lên cảnh báo tình hình khả năng nhiễm mặn sẽ còn tiếp tục kéo dài.
“Mặc dù TP đang triển khai nhiều dự án như nâng cấp NMN Cầu Đỏ giai đoạn 1, xây dựng NMN Hòa Trung, xem xét chủ trương xây dựng NMN Hòa Liên nhưng từ nay đến 2020, nếu không có những giải pháp mang tính căn cơ và quyết liệt thì khả năng sẽ kéo dài tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho TP” – Báo cáo giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng cảnh báo.
Do đó, Ban Đô thị HĐND TP Đà Nẵng kiến nghị UBND TP có văn bản yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét việc điều tiết hoạt động của các nhà máy thủy điện để đảm bảo ổn định nguồn nước sinh hoạt cho TP. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng NMN Hòa Liên, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 dự án nâng cấp NMN Cầu Đỏ, và sớm nghiên cứu xây dựng đập ngăn mặn sông Cầu Đỏ, đập tràn trên sông Cu Đê.
Phát hiện thủy điện không xả nước theo quy trình và ngừng vận hành
Cùng ngày, Sở NN-PTNT Đà Nẵng cho biết vừa có Công văn 2047/SNN-CCTL ngày 10/9 đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Nam và các thủy điện Đak Mi 4, Sông Bung 4, A Vương đề nghị tham gia xử lý, giải cứu tình trạng nước nhiễm mặn trên sông cầu Đỏ để đảm bảo an toàn cho việc sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt cho người dân TP Đà Nẵng.
Theo đó, qua kiểm tra việc vận hành của các thủy điện trên thượng nguồn sông Vu Gia theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ban hành kèm theo Quyết định 1537/QĐ-TTg ngày 7-9-2015 của Thủ tướng Chính Phủ (gọi tắt là Quy trình vận hành liên hồ), Sở NN-PTNT Đà Nẵng phát hiện một số nhà máy thủy điện không xả nước theo quy trình và ngừng vận hành.
Cụ thể, từ ngày 1/9 đến nay, mực nước của 2 hồ thủy điện A Vương và Sông Bung 4 ở xấp xỉ mực nước chết, theo đó lượng nước xả về hạ du nhỏ. Đặc biệt trong 3 ngày từ ngày 1/9 đến 3/9, hai nhà máy thủy điện A Vương và Sông Bung 4 không phát điện, không xả nước về hạ du.
Đối với nhà máy thủy điện Đak Mi 4 có xả nước về hạ du sông Vu Gia nhưng với lưu lượng Q rất nhỏ, chỉ 3 m3/s dẫn đến tình trạng nước sông cầu Đỏ bị xâm nhập mặn, nguồn nước thô tại cửa thu NMN Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt hàng trăm lần độ cho phép sản xuất nước sinh hoạt.
Ngoài ra, qua kiểm tra thực tế tại đập tạm ngăn mặn Tứ Câu trên sông Vĩnh Điện, Sở NN-PTNT Đà Nẵng nhận thấy đập này ở trạng thái đóng kín khiến cho tình trạng nhiễm mặn trên sông Cầu Đỏ càng tăng thêm, nghiêm trọng và có khả năng kéo dài.
Sớm có văn bản đề nghị Bộ TN-MT, UBND tỉnh Quảng Nam vào cuộc
Do đó, tại Công văn 2047/SNN-CCTL, Sở NN-PTNT Đà Nẵng đề nghị UBND TP có ý kiến bằng văn bản đề nghị Bộ TN-MT khẩn trương chỉ đạo thủy điện Đak Mi 4 tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia qua cống xả đáy từ 3m3/s như hiện nay lên 12 m3/s. Đồng thời các thủy điện A Vương, Sông Bung 4 phải thường xuyên và tăng cường phát điện, xả nước về hạ du nhằm đẩy mặn tại sông Cầu Đỏ phục vụ cung cấp nước cho sinh hoạt trên địa bàn Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, do quy trình vận hành liên hồ chứa hiện nay đã bộc lộ một số vấn đề tồn tại, không phù hợp với thực tế nên Sở NN-PTNT Đà Nẵng đề nghị UBND TP có ý kiến đề nghị Bộ TN-MT sớm nghiên cứu điều chỉnh lại quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn theo hướng điều phối nguồn nước xả hợp lý trong mùa cạn và mùa lũ nhằm tăng cường đẩy mặn cho sông Cầu Đỏ và tăng hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du.
Sở NN-PTNT Đà Nẵng cũng đề nghị UBND TP có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng lập kế hoạch, phương án tăng lưu lượng nước xả về hạ du sông Vu Gia gửi Bộ TN-MT để thống nhất chỉ đạo các hồ thủy điện điều tiết xả nước cho khu vực hạ du sông Vu Gia.
Đồng thời đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị của TP Đà Nẵng nghiên cứu đánh giá toàn diện tại khu vực sông Quảng Huế và các công trình chỉnh trị đã xây dựng để có giải pháp điều tiết, nâng cao trình đỉnh đập sông Quảng Huế nhằm nâng cao lượng nước về hạ du sông Vu Gia khôi phục lại trạng thái tự nhiên trước đây, phục vụ việc đẩy mặn, cấp nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và phát triển KT-XH của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng,
Công văn 2047/SNN-CCTL cũng đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Nam tháo dỡ một phần đập tạm ngăn mặn trên sông Vĩnh Điện để tăng cường đẩy mặn cho TP Đà Nẵng do hiện nay đã dừng hoạt động cấp nước cho sản xuất nông nghiệp.