Đà Nẵng: Mở lối qua đường trước hầm chui, người đi bộ “đối đầu” ô tô, xe máy!
Bất hợp lý vì “gần nhà, xa ngõ”
Như tin đã đưa, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản 9840/UBND-SGTVT chỉ đạo việc tổ chức giao thông phía Đông hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương. Cụ thể, trong thời gian chưa triển khai cầu vượt bộ hành thì cho phép mở 2 vị trí đi bộ tại dải phân cách giữa đoạn từ cổng Công viên 29/3 đến nút giao Điện Biên Phủ - Lê Duẩn – Lý Thái Tổ (ngã ba Cai Lang) để phục vụ cho người đi bộ trong khu vực.
Vẫn còn nhiều người đi từ đường Hải Phòng rẽ ngược chiều trên đường Điện Biên Phủ... |
Sở GTVT Đà Nẵng cũng có Công văn 5939/SGTVT-QLCL cho biết, BQL các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên (đơn vị điều hành dự án hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương) đã triển khai mở 2 vị trí đi bộ theo chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng; đồng thời lực lượng Công an, Thanh tra giao thông đã bố trí cán bộ hướng dẫn, phân luồng giao thông tại ngã ba Hải Phòng - Điện Biên Phủ nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Tuy nhiên theo quan sát của PV Báo điện tử Infonet, tại ngã ba Hải Phòng – Điện Biên Phủ, lực lượng Công an, Thanh tra giao thông lúc có, lúc không nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng xích lô, xe máy, xe đạp đi ngược chiều đường Điện Biên Phủ để rẽ qua đường Lê Duẩn hoặc đi vào đường Lý Thái Tổ, gây mất an toàn giao thông rất lớn.
để đi về phía ngã ba Cai Lang, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông |
Nhiều người cho biết, họ vào chợ gần ngã ba Hải Phòng – Điện Biên Phủ mua bán rồi về nhà ở gần ngã ba Cai Lang hoặc ngay bên kia đường Điện Biên Phủ. Nhưng do hầm chui và dải phân cách chia cắt quá dài nên họ phải đi ngược chiều để về nhà, biết là trái luật, có thể mất an toàn giao thông nhưng gần hơn. Nếu không thì họ phải đi khá xa, đến nút giao Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương – Lê Độ mới quay đầu lại được. Việc “gần nhà xa ngõ” như vậy là rất bất hợp lý!
Mở lối đi bộ qua đường nhưng không đèn tín hiệu, biển báo, kẻ vạch
Mặc khác, nói là “mở hai vị trí đi bộ để phục vụ cho người đi bộ trong khu vực” nhưng thực chất là BQL dự án chỉ tháo bớt vài thanh sắt để hạ thấp dải phân cách cứng cho người đi bộ có thể bước qua (nhưng vẫn ngăn xe đạp, xe máy) tại hai vị trí trên đoạn từ cổng Công viên 29/3 đến ngã ba Cai Lang. Mỗi vị trí đi bộ có chiều rộng khoảng 1m.
Trên dải phân cách đoạn từ cổng Công viên 29/3 đến ngã ba Cai Lang đã có hai vị trí được mở cho người đi bộ băng qua đường, nhưng đều không (hoặc chưa) có đèn tín hiệu, biển báo... |
Vị trí thứ nhất ở gần ngã ba Cai Lang, nối liền đường kiệt từ khu dân cư Trung Bình A2 (phường Thạc Gián) băng qua bên kia đường Điện Biên Phủ. Vị trí thứ hai nối từ ngã ba Hải Phòng – Điện Biên Phủ qua cổng Công viên 29/3. Trong hai vị trí này thì vị trí thứ hai có lưu lượng người đi bộ qua lại đông hơn hẳn vị trí thứ nhất.
Đáng nói là Sở GTVT Đà Nẵng cho biết “BQL dự án đã triển khai mở hai vị trí đi bộ”, nghĩa là đã đầy đủ các yêu cầu của lối đi bộ đảm bảo an toàn. Nhưng theo quan sát của PV Báo điện tử Infonet, tại cả hai vị trí nêu trên, ngoài việc hạ bớt dải phân cách cứng thì đến thời điểm này chưa có đèn tín hiệu, biển báo hay bất cứ dấu hiệu nào cho biết đó là lối dành cho người đi bộ băng qua đường.
Vị trí nối từkhu dân cư Trung Bình A2 qua bên kia đường Điện Biên Phủ có sẵn vạch kẻ đường cho người đi bộ nhưng đã quá cũ, rất mờ và gần như không còn tác dụng. Tại vị trí này không có nhiều người đi bộ băng qua đường! |
Vị trí thứ hai nối từ ngã ba Hải Phòng – Điện Biên Phủ qua cổng Công viên 29/3 có nhiều người đi bộ băng qua đường nhưng không kẻ vạch dành cho người đi bộ |
Tại vị trí thứ nhất, do nối từ đường kiệt khu dân cư Trung Bình A2 qua bên kia đường Điện Biên Phủ nên có sẵn vạch kẻ đường cho người đi bộ. Tuy nhiên vạch kẻ đường này đã quá cũ, rất mờ và gần như không còn tác dụng. Trong khi đó tại vị trí thứ hai, mặc dù lưu lượng người đi bộ qua đường nhiều hơn hẳn nhưng không có (hoặc chưa có) vạch kẻ đường dành cho họ băng qua đường.
“Cái bẫy” từ những bất cập
PV Báo điện tử Infonet đã vài lần chạy xe từ phía Đông theo đường Lê Duẩn, Lý Thái Tổ vào hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, rồi từ phía Tây hầm chui chạy ngược trở lại để khảo sát. Và đều rất khó nhận ra hai vị trí được hạ thấp bớt dải phân cách cho người đi bộ băng qua đường. Do vậy, nguy cơ các lái xe đâm phải người đi bộ đang băng qua đường tại hai vị trí này là không hề nhỏ.
Những người phụ nữ này sau khi tập thể dục buổi sáng ở Công viên 29/3... |
đã phải luồn lách rất khó khăn giữa dòng ô tô, xe máy... |
mới tới được dải phân cách... |
Sau khi bước qua dải phân cách, họ lại phải tiếp tục "đối đầu" với rất nhiều ô tô, xe máy mới qua tới phía bên kia đường Điện Biên Phủ |
Nhiều người khác cũng như vậy! |
Trong khi đó, nếu bị ô tô, xe máy đâm va tại hai vị trí nên trên thì phần thiệt hẳn sẽ thuộc về người đi bộ, vì các tài xế có thể lấy lý do những người đi bộ này bất ngờ băng ngang qua đường mà không có đèn tín hiệu, biển báo hay vạch kẻ đường ưu tiên nào cả. Như vậy hóa ra việc mở hai vị trí cho người đi bộ băng qua đường lại trở thành cái bẫy khiến họ phải “đối đầu” với ô tô, xe máy?
Thêm nữa, Công viên 29/3 luôn là tụ điểm vui chơi, giải trí thu hút đông đảo người dân và du khách trong dịp lễ, Tết. Tuy nhiên nhiều khả năng khu vực trước cổng công viên này sẽ xảy ra ùn tắc giao thông rất lớn trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 sắp tới, do cửa phía Đông của hầm chui Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương và dải phân cách cứng nối tiếp tới ngã ba Cai Lang bị chia cắt, thu hẹp.
Nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông trước cổng Công viên 29/3 trong dịp Tết sắp tới là rất lớn! |
Trong khi đó lối đi bộ qua đường Điện Biên Phủ tại vị trí này chỉ khoảng 1m, làm sao có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người đến Công viên 29/3 vui chơi, giải trí trong dịp Tết? Chỉ còn 2 tháng nữa đến Tết Mậu Tuất. Liệu những bất cập này có kịp thời được xử lý, hay nơi đây sẽ trở thành “điểm nóng” về ùn tắc, mất an toàn giao thông trong những ngày Tết?