Đà Nẵng "hút" khách du lịch biển quốc tế dù kinh tế sa sút
Dù ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nhưng năm 2012, lượng khách du lịch tàu biển quốc tế đến Đà Nẵng vẫn tăng tới 91,16% so với năm 2011 - Ảnh: HC |
Lượng khách tăng hơn 90%
Đáng chú ý, lượng khách du lịch đường biển đến Đà Nẵng năm nay đạt 52.570 lượt, tăng tới 91,16% so với năm 2011, xếp thứ hai sau lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng bằng đường hàng không. Điều đó cho thấy với môi trường du lịch an toàn, thân thiện, dịch vụ chất lượng, chi phí rẻ, TP này vẫn nằm trong sự lựa chọn của đông đảo du khách quốc tế dù họ phải thắt chặt chi tiêu ở thời buổi kinh tế khó khăn.
Theo Phó trưởng Phòng Quản lý lữ hành ((Sở VH-TTT-DL Đà Nẵng) Nguyễn Châu Loan, cũng như nhiều năm qua, Saigontourist tiếp tục dẫn đầu về đón tàu du lịch biển đến Đà Nẵng năm 2012 với 31 chuyến (tăng 13 chuyến so với năm ngoái), đưa 40.750 lượt khách cập cảng Tiên Sa, tăng 94,04% so với năm 2011 và chiếm 77,5% tổng lượng khách du lịch tàu biển đến Đà Nẵng. Ngoài ra, có một số đơn vị mới khai thác khách du lịch tàu biển như Công ty TNHH Sông Hàn, Chi nhánh Công ty cổ phần du lịch dịch vụ Hội An...
Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng là điểm đến được nhiều du khách tàu biển quốc tế lựa chọn - Ảnh: HC |
Theo thống kê của Biên phòng Cửa khẩu Cảng Đà Nẵng, du khách đường biển đến TP này gồm nhiều quốc tịch. Nếu năm 2011 khách Mỹ dẫn dầu bảng, chiếm 15,3% thì năm nay do sự trở lại của tàu du lịch 5 sao Super Star Aquarius (hãng Star Cruises) vào quý I và IV đã đưa khách Trung Quốc vượt lên, chiếm 31,3%. "Tuy nguồn khách này có mức chi tiêu không cao nhưng số lượng lớn và thường xuyên" - Bà Nguyễn Châu Loan nói. Tiếp đó là nguồn khách đến từ các thị trường "Top Ten" như Mỹ 12,23%, Anh 9,97%, Úc 7,86%, Đức 7,09%, Nhật 5,56%, Pháp 5,24%, Canada 3,94%, Hông Kông 3,25%…
Các đơn vị lữ hành chuyên đón khách tàu biển cho hay đã tập trung tuyên truyền quảng bá trên tàu, xây dựng đổi mới các chương trình du lịch dành riêng cho khách du lịch tàu biển… nhằm khai thác nguồn khách này ngày càng hiệu quả. Khách du lịch tàu biển sau khi cập cảng Tiên Sa chủ yếu tham quan, mua sắm tại Đà Nẵng, Huế, Hội An, chỉ có một số ít không đáng kể lưu lại trên tàu không tham gia chương trình du lịch.
Tại Đà Nẵng, các điểm tham quan, mua sắm, giải trí được khách tàu biển lựa chọn nhiều là Bảo tàng Chăm, Ngũ Hành Sơn, làng đá Non Nước, bãi biển Non Nước, Mỹ Khê, chùa Linh Ứng, sân golf, đi City tour bằng xích lô, mua sắm tại trung tâm TP, tranh thêu XQ, xem biểu diễn ở nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh... Riêng Công ty du lịch Ích Lợi còn mở tour homestay, đưa du khách là thanh niên Nhật Bản trên các chuyến tàu Oceanic tham quan, giao lưu, tìm hiểu đời sống người dân ở xã Hòa Tiến (huyện Hoà Vang).
Tình trạng bu bám, chèo kéo du khách tại các điểm đậu đỗ xe trung chuyển, điểm tham quan, mua sắm… đã được cải thiện đáng kể - Ảnh: HC |
Cần tăng cường "Nụ cười thân thiện"
Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Đà Nẵng Trần Chí Cường, công tác đón và phục vụ du khách đường biển của các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, đảm bảo an toàn và thời gian các chương trình tham quan. Các dịch vụ mua sắm, giải trí tại trung tâm TP và các dịch vụ phụ trợ như bưu chính viễn thông, ngân hàng… cũng từng bước được đầu tư nâng cấp, đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Đáng chú ý, nhờ sự phối hợp triển khai lực lượng của các đơn vị hữu quan nên tình trạng bu bám, chèo kéo du khách tại các điểm đậu đỗ xe trung chuyển, điểm tham quan, mua sắm… đã được cải thiện đáng kể, được du khách và các hãng lữ hành đánh giá cao. Tuy nhiên hiện tượng này vẫn còn diễn ra phức tạp ở khu vực cổng cảng Tiên Sa bởi các đối tượng cò mồi xe dù, xe taxi...
Để khắc phục, Phó Giám đốc Cảng Đà Nẵng Nguyễn Hữu Sia cho hay đang phối hợp với Biên phòng xây dựng chương trình “Môi trường văn hóa cửa khẩu cảng Tiên Sa” để đưa cửa khẩu này thành điểm đến an toàn, mến khách. Hiện khu vực đón du khách tàu biển tại cảng đã được nâng cấp, xây dựng khu nhà bán hàng lưu niệm, xây mới nhà vệ sinh công cộng, đầu tư các cột mốc ngăn lối đi riêng cho các xe shuttle bus đưa đón khách tránh xe container chở hàng, làm mới nhà chờ của khách du lịch...
"Nụ cười thân thiên" của đội ngũ taxi, xích lô tham gia đón khách du lịch tàu biển quốc tế sẽ góp phần tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện cho Đà Nẵng- Ảnh: HC |
Tuy tăng trưởng mạnh về đón tàu du lịch biển quốc tế nhưng theo ông Trần Chí Cường, Đà Nẵng vẫn chưa khai thác được hết nguồn tài nguyên du lịch. Các tour tuyến, sản phẩm du lịch mới tuy được đầu tư nhưng chưa thật sự hấp dẫn, chưa có các sản phẩm thật sự đặc trưng nên dễ gây nhàm chán cho khách. Vì vậy các đơn vị lữ hành cần đưa các điểm đến mới như bán đảo Sơn Trà, suối khoáng nóng Phước Nhơn, khu du lịch Không gian xưa, Bảo tàng Đà Nẵng... vào chương trình tour để phục vụ du khách tàu biển.
Theo Giám đốc Vitour Cao Trí Dũng, cùng với nâng cao chất lượng đội sứ giả du lịch, mở rộng nhiều ngoại ngữ khác (Trung, Nga...) để đáp ứng kịp thời nguồn khách từ các thị trường khách này, chính quyền và ngành du lịch TP cần tuyên truyền cho người dân cùng chung tay nâng cao hình ảnh du lịch Đà Nẵng. Đặc biệt là thường xuyên tập huấn “Nụ cười thân thiện” cho đội ngũ taxi, xích lô tham gia đón khách du lịch tàu biển quốc tế nhằm nâng cao khả năng giao tiếp với khách và tạo môi trường du lịch an toàn, thân thiện.