Đà Nẵng: Giảm thiểu nguy hiểm trên đường lên cây đa di sản ở Sơn Trà
Ngày 6/7, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa ký Quyết định 4534/QĐ-UBND giao Sở GTVT Đà Nẵng làm chủ đầu tư, BQL dự án Giao thông nông thôn (thuộc Sở GTVT) điều hành dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp đường lên cây đa trăm tuổi nhằm đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà.
Cây đa 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà đã được công nhận là "Cây di sản Việt Nam" (Ảnh: HC) |
Theo đó, trên tổng chiều dài toàn tuyến 3,68km sẽ mở rộng mặt đường tại 19 vị trí. Trong đó có 16 vị trí tránh xe sẽ mở rộng mặt đường hiện trạng đảm bảo rộng 5,5m (dài 12m) với kết cấu mặt đường bê tông xi măng gia cố bằng đá hộc xây vữa; 03 vị trí dừng, đậu xe được mở rộng về phía phải tuyến (taluy âm) có kết cấu giống các vị trí tránh xe.
Đồng thời lắp đặt, bổ sung tổng cộng 1.108m tường hộ lan mềm ở các vị trí nguy hiểm phía taluy âm; sửa chữa các vị trí hư hỏng nền đường, lề gia cố hiện trạng; lắp đặt bổ sung các biển báo hiệu tại vị trí đường cong bán kính nhỏ, vị trí bãi đỗ xe, độ dốc dọc lớn và chỗ nền đường bị thu hẹp; xúc dọn các vị trí đất đá bồi lấp rãnh dọc, cống ngang bằng nhân công và vận chuyển đi đổ đúng nơi quy định.
Đây là dự án nhóm C, công trình giao thông cấp IV miền núi theo TCVN 4054-05 với tổng mức đầu tư gần 3 tỉ đồng từ vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Chủ tịch UBND TP yêu cầu BQL dự án Giao thông nông thôn phối hợp với đơn vị tư vấn khi thiết kế, kiểm tra chọn vị trí thích hợp mở rộng mặt đường để tránh, dừng xe, không ảnh hưởng đến hiện trạng của núi Sơn Trà.
Du khách nước ngoài tham quan, trải nghiệm cây đa di sản 800 năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà (Ảnh: HC) |
Trước đó, ngày 8/6/2014, UBND TP Đà Nẵng, Sở TN-MT Đà Nẵng phối hợp với Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã tổ chức vinh danh cây đa cổ thụ nằm tại tiểu khu 63, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (tuyến đường du lịch Bãi Bắc - Ghềnh Đá - Mũi Nghê) là "Cây di sản Việt Nam" đầu tiên tại TP Đà Nẵng.
Cây đa Sơn Trà còn có tên là Đa núi cao, thuộc họ Dâu tằm với hơn 800 năm tuổi, cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ lên đến 85m. Cây đa Sơn Trà nằm trong quần thể đa cổ thụ có tuổi đời hằng năm tại Khu bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà, và là nơi sinh sống của quần thể Voọc chà vá chân nâu, một loài linh trưởng đặc hữu Đông Dương tại Sơn Trà được phát hiện đầu tiên năm 1771.
Trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1858) và Mỹ (năm 1965), bán đảo Sơn Trà trở thành căn cứ địa quan trọng của quân dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Vị trí cây đa Sơn Trà được lực lượng tự vệ, dân quân tự vệ, biệt động thành chọn làm nơi ẩn náu, tụ họp để trao đổi thông tin suốt 2 cuộc kháng chiến.
Cây đa gần bến phà sông Hàn (cũ)... |
Tại hội nghị lần thứ 22 Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng) hôm 25/6 vừa qua, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng cho biết, theo dõi trong 1 năm qua thì lượng du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng lãm cây đa di sản ở bán đảo Sơn Trà “vô cùng lớn”, cho thấy đây là một sản phẩm du lịch rất hấp dẫn của Đà Nẵng.
Từ kết quả này, Sở TN-MT Đà Nẵng đã khảo sát trên địa bàn TP để tìm thêm những cây khác có thể được công nhân là “cây di sản”. Tuy nhiên chỉ có 01 cây duy nhất. Đó là cây đa do bà Hà Thị Thân trồng ở gần bến phà sông Hàn (cũ) trên đường Nguyễn Công Trứ. “Cây đa này cũng hết sức hoành tráng và chúng tôi tin rằng nó đã gần 600 tuổi!” – ông Nguyễn Điểu nói.
Theo ông, cây đa này mang nhiều yếu tố lịch sử, văn hóa gắn liền với sự ra đời làng An Hải, xứ đất nằm ở hữu ngạn sông Hàn, được khai phá từ thế kỷ 17. Tiền hiền của làng là Bà Thân, quê gốc Thanh Hóa, khi lập địa bạ khai là Hà Thị Thân, sau đọc gọn là Hà Thân. Đây là nơi đã sinh ra hai danh tướng Nguyễn Văn Thoại và Trần Quang Diệu ở thế kỷ 19.
được bà Hà Thị Thân trồng cách đây gần 600 năm! (Ảnh: HC) |
“Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là có một số hộ dân sống chung quanh cây đa, thường xuyên chặt cành, chặt nhánh vì không còn lối thoát. Nếu giải phóng được 2 – 3 hộ này thì cây đa bến phà sẽ tiếp tục trở thành “cây di sản” vô giá đối với Đà Nẵng. Chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể với lãnh đạo TP về vấn đề này và kiến nghị khẩn trương lập hồ sơ đề nghị công nhận đây là cây di sản!” – ông Nguyễn Điểu nhấn mạnh.