Đà Nẵng: Đề xuất thi trình diễn pháo hoa quốc tế trên xà lan giữa sông Hàn
Ngày 9/3, ông Trần Quang Thanh, Phó Giám đốc Thường trực Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cho hay, chiều 8/3, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đã họp với Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan về đổi mới phương thức tổ chức cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC).
Tại cuộc họp, Sở VH-TT-DL đề xuất một số vị trí được coi là điểm nhấn mới để các đội dự thi DIFC 2017 trình diễn pháo hoa là xà lan giữa sông Hàn, bãi biển Phạm Văn Đồng và trên cầu Nguyễn Văn Trỗi.
Đà Nẵng đã thử nghiệm bắn pháo hoa từ giữa sông Hàn nhân dịp Quốc khánh 2/9/2015 (Ảnh: HC) |
Qua thảo luận, đại diện các sở, ngành liên quan đồng tình với phương án tại DIFC 2017, các đội dự thi sẽ trình diễn pháo hoa từ xà lan lắp đặt giữa sông Hàn, đoạn giữa cầu Sông Hàn và Thuận Phước, trước cảng Sông Hàn (cũ). Như Infonet đã đưa tin, đây là vị trí đã được chọn tổ chức bắn pháo hoa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Quốc khánh (2/9/2015).
Qua đó cho thấy pháo bắn từ xà lan giữa sông Hàn đảm bảo an toàn cho người dân, du khách và các cơ sở vật chất khác, tạo được hiệu ứng đẹp bởi phối cảnh xung quanh khu vực sông Hàn và hiệu ứng từ mặt nước phù hợp với pháo hoa. Không gian xem pháo hoa được mở rộng hơn, người dân và du khách có thể xem từ nhiều hướng khác nhau, từ hai bờ sông, trên các cầu và nhà hàng, khách sạn, tòa nhà lân cận… nên không tốn kém chi phí nhiều tỉ đồng để xây dựng khán đài.
Cái khó hiện nay, theo ông Trần Quang Thanh, là TP Đà Nẵng hiện chưa có xà lan chuyên dụng đáp ứng các yêu cầu của việc bắn pháo hoa từ xà lan (dài 120m, rộng 10m) mà ở lần bắn thí điểm dịp 2/9 năm ngoái phải tận dụng xà lan sẵn có (dài 30m, rộng 9m) nên không an toàn và gây bất tiện cho đội bắn. Được biết, chi phí đóng mới xà lan chuyên dụng là 7 tỉ đồng.
Tại cuộc họp, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng cũng đề xuất thay đổi thời gian tổ chức thi. Theo đó, chỉ có 2 đội dự thi trong mỗi đêm và các đêm thi cách nhau 3 ngày 2 đêm. Giải thích về đề xuất này, ông Trần Quang Thanh cho hay, phương thức tổ chức chung của các lễ hội pháo hoa trên thế giới là thường được tổ chức nhiều ngày (từ 4 đến 12 ngày); mỗi đêm chỉ có 1 - 2 đội trình diễn và cách 2 – 3 ngày lại có đợt trình diễn khác.
“Cách tổ chức này nhằm tạo điều kiện cho các đội chuẩn bị được chu đáo hơn và đặc biệt là kéo dài được thời gian lưu trú của khách du lịch trong mỗi mùa DIFC. Qua đó thu hút khán giả đến với các hoạt động phụ trợ diễn ra cùng thời điểm” – ông Trần Quang Thanh nói.
Theo ông Trần Quang Thanh, tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng nêu rõ, trong các điểm nhấn mới được đề xuất để tổ chức trình diễn pháo hoa dịp DIFC thì bắn pháo từ xà lan giữa sông Hàn sẽ lý tưởng nhất, vừa thuận lợi cho việc thu hút người dân và du khách, bảo đảm an toàn, dễ tạo hiệu ứng với nhiều hình ảnh mang tính biểu trưng của TP. Tuy nhiên, để thực hiện việc này thì phải thuê hoặc đóng mới xà lan với khoản kinh phí tương đối lớn.
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cũng cho rằng sẽ tốt hơn nếu phân bố khoảng 5-6 đội thi trình diễn trong một tuần. Trong thời gian nghỉ giữa các đêm, có thể tổ chức các chương trình biểu diễn nhạc nước ngay tại vị trí trình diễn pháo hoa để phục vụ người dân trước giờ thi đấu hoặc trong những ngày không có pháo hoa.
Ông yêu cầu Sở Tài chính, Sở VH-TT-DL và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án tổ chức đấu thầu tất cả các hạng mục của DIFC 2017, đặc biệt là công tác tuyển chọn công ty tư vấn, đơn vị truyền thông quảng bá và vận động tài trợ cho cuộc thi. Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Cục Thuế… cũng được yêu cầu thẩm định năng lực hoạt động cũng như năng lực tài chính của các doanh nghiệp tham gia tài trợ cũng như chi phí phát sinh của các hoạt động bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…
Bên cạnh đó, ông Đặng Việt Dũng yêu cầu Sở VH-TT-DL, Sở Ngoại vụ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu triển khai các hoạt động phụ trợ mới, các sự kiện văn hóa du lịch lớn, mang tầm quốc tế trong thời gian diễn ra DIFC trình diễn nhạc nước và ánh sáng nghệ thuật, tổ chức chợ phiên/ chợ đêm trưng bày, buôn bán các sản phẩm handmade, mỹ nghệ, thời trang; diễu hành thuyền hoa, thả hoa đăng; trưng bày các vật phẩm có tính thẩm mỹ, hiện đại, mang đặc trưng văn hóa dân tộc và địa phương… nhằm tạo không khí sôi động, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân và du khách đến TP vào dịp này.
Ông Trần Quang Thanh cho hay, kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cơ bản thống nhất với các phương án do Sở VH-TT-DL Đà Nẵng đề xuất. Đồng thời yêu cầu Sở tiếp tục hoàn thiện phương án để báo cáo xin ý kiến Thường trực UBND TP, sau đó báo cáo trước Thường trực Thành ủy Đà Nẵng để có quyết định cuối cùng.
“Việc tổ chức bắn pháo hoa từ giữa sông Hàn đã có ý định từ năm 2013 và dự kiến thực hiện tại DIFC 2015. Tuy nhiên vì năm 2015 có nhiều sự kiện lớn, quan trọng của cả nước và Đà Nẵng, DIFC cần phải được tổ chức có hiệu quả, tránh các sơ suất đáng tiếc có thể xảy ra nên vẫn chọn phương án cũ của Công ty tư vấn Global 2000 (Malaysia). Nay nếu tổ chức bắn pháo hoa từ giữa sông Hàn thì sẽ có nhiều công ty tư vấn tham gia chào thầu!” – ông Trần Quang Thanh cho hay.