Đà Nẵng: Đề xuất 550 tỉ cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý
Mục đích của dự án
Ngày 16/10, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có tờ trình gửi HĐND TP đưa ra kỳ họp thứ 8 (bất thường) sẽ diễn ra chiều thứ Sáu (ngày 19/10) để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án "Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý" (thuộc địa bàn quận Hải Châu).
Phối cảnh dự án "Cải tạo nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý" |
Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II, do BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm quản lý dự án. Theo UBND TP Đà Nẵng, dự án nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý, giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm khi các phương tiện ra vào khu nhà hàng tiệc cưới.
Đồng thời tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và khu vực biển phía Đông TP; giảm tải cho các tuyến đường trục chính qua khu vực phía Đông TP như đường Nguyễn Văn Linh, Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao công suất phục vụ của sân bay quốc tế Đà Nẵng và tổ chức giao thông mạng lưới đường đô thị cho khu vực trung tâm TP.
Thông tin cơ bản về dự án
Cụ thể, nút Duy Tân – 2/9 được thiết kế khác mức dạng 3 tầng. Tầng trên bố trí cầu vượt thép trên đường 2/9; tầng mặt đất bố trí đảo hình tròn tự điều chỉnh; tầng dưới cùng bố trí hầm chui trên đường Duy Tân kéo dài hầm qua nút Duy Tân – Núi Thành và nút Duy Tân - Bạch Đằng nối dài.
Tại khu vực phía sau khu trung tâm hội nghị tiệc cưới mở rộng đường, làm mới bãi đỗ xe, kết nối vào nút giao thông Bạch Đằng nối dài kết hợp với việc cải tạo phân luồng mạng lưới đường nội bộ và bãi đỗ xe trước mặt tiền khu trung tâm hội nghị tiệc cưới.
Tĩnh không hầm chui, cầu vượt H=4,75m; tải trọng thiết kế HL-93. Bề rộng cầu vượt trên đường 2/9 là 14m; đường gom mỗi bên rộng 6m, vỉa hè rộng 3m. Bề rộng hầm chui trên đường Duy Tân 14,5m; đường gom đoạn từ Quân khu 5 đến đường Núi Thành rộng 6m, vỉa hè 2m (phía Quân khu 5) và 3m (phía đối diện); đường gom đoạn từ Núi Thành đến 2/9 rộng 10,5m, vỉa hè 4,5+7m. Đoạn từ 2/9 đến Bạch Đằng rộng 10,5m, vỉa hè 3,8+8m. Đoạn từ Bạch Đằng về cầu Trần Thị Lý rộng 7m, vỉa hè 5,5+6,5m.
Tổng chiều dài tuyến trên đường 2/9 là 569,8m. Trong đó phần cầu 203,2m; phần tường chắn đầu cầu phía cầu Rồng 107,4m; phần vuốt nối đầu cầu phía cầu Rồng 30m; phần tường chắn đầu cầu phía cầu Tiên Sơn 109,2m; phần vuốt nối đầu cầu đến nút Tiểu La 120m.
Tổng chiều dài tuyến tên đường Duy Tân là 750m. Trong đó phần hầm kín tại nút Núi Thành 37m; phần hầm kín tại nút 2/9 là 83m; phần hầm kín tại nút Bạch Đằng nối dài 35m; phần hầm hở đầu hầm phía sân bay 136,8m; phần vuốt nối phía sân bay 41,4m; phần hầm hở từ nút Núi Thành đến 2/9 là 107,2m; phần hầm hở từ nút 2/9 đến Bạch Đằng nối dài 95,8m; phần hầm hở đầu hầm phía cầu Trần Thị Lý 124,5m; phần vuốt nối phía cầu Trần Thị Lý 119,3m.
Hầm chui bố trí trên đường Duy Tân từ cổng Bảo tàng Quân khu 5 đến đầu cầu Trần Thị Lý có tổng chiều dài 750m. Trong đó phần kết cấu hầm kín tại nút Núi Thành có chiều dài L=37m, nút 2/9 có chiều dài 84m và nút đường Bạch Đằng nối dài có chiều dài 35m. Kết cấu hầm bằng bê tông cốt thép 35Mpa.
Đối với cầu vượt thép theo hướng đường 2/9 vượt qua nút Duy Tân, chiều dài phần cầu vượt L=203,20m, kết cấu gồm 5 nhịp. Tổng bề rộng cầu 14m (gồm 4 làn xe chạy). Kết cấu dầm dạng dầm hộp thép liên hợp bản bê tông cốt thép.
Tổ chức giao thông tại nút Duy Tân – 2/9 bằng đảo xuyến tự điều khiển, nút Núi Thành – Duy Tân bằng đèn tín hiệu điều khiển 2 pha, nút Duy Tân – Bạch Đằng nối dài tự điều khiển, nút Tiểu La – 2/9 bằng đèn tín hiệu điều khiển 2 pha.
Hoàn trả hệ thống thoát nước và hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy hoạch mới. Xây dựng mới và cải tạo mạng lưới đường và bãi đỗ xe phía trước và phía sau khu trung tâm hội nghị tiệc cưới. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, thông tin, cây xanh sẽ di dời và đầu tư xây dựng hoàn thiện theo quy định.
Tổng diện tích sử dụng đất trong phạm vi dự án là 79.218m2. Tổng mức đầu tư dự án là 550,255 tỉ đồng (trong đó chi phí xây dựng sau thuế 443,2 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác 64,23 tỉ đồng; dự phòng phí 42,82 tỉ đồng). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách TP. Kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2018 bố trí 02 tỉ đồng để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 – 2020.
Và những lo lắng!
UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết đã có công văn xin ý kiến Thường trực HĐND TP thống nhất lấy ý kiến của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vào bước phê duyệt dự án này.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, ngày 17/7, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị phản biện đối với phương án thiết kế tổ chức giao thông nút phía Tây cầu Rồng và cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý, với sự tham dự của các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, đô thị, văn hóa và các lĩnh vực có liên quan.
Tại đây, hầu hết các ý kiến phát biểu đều không đồng tình với “cầu vượt thép” vốn chỉ để “chữa cháy”, không bền vững nên dùng ở cụm giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý là không phù hợp cho lâu dài. các hầm chui cũng chưa thực sự thuyết phục.
Mức đầu tư đề xuất để cải tạo cụm giao thông này được các chuyên gia cho là quá cao nhưng không đảm bảo cảnh quan, tầm nhìn đẹp cho cầu Trần Thị Lý. Công trình cầu 3 mặt phẳng dây văng như 3 cánh buồm tuyệt đẹp này có nguy cơ bị cầu vượt thép che khuất… Nhiều chuyên gia khuyến cáo Đà Nẵng rằng tình hình chưa chín muồi thì đừng vội làm kẻo sau này ân hận.
Theo họ, tình hình ở cụm nút phía Tây cầu Trần Thị Lý chỉ mới là ùn tắc cục bộ giờ cao điểm, Đà Nẵng lại chưa nghiên cứu giải pháp tổng thể trên toàn mạng lưới giao thông TP. Nếu vẫn cứ xây các công trình để xử lý cục bộ giao thông ở khu vực này thì không khéo 5 – 10 năm nữa, Đà Nẵng sẽ phải ân hận vì những việc mình làm hôm nay. Khi đó lại không ai dám nhìn nhận mình là tác giả cả!