Đà Nẵng: Dân "khát khô", tiền phải gửi ngân hàng, còn nhà máy nước chờ… thủ tục
Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt ngày càng trầm trọng
Ngày 7/6, đến các địa bàn Hòa Khê, Phú Thượng (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), PV Infonet nghe nhiều người dân than thở, mặc dù có đường ống cấp nước máy nhưng 4 – 5 ngày qua, ở khu vực này không có giọt nước nào. Đến nỗi, họ phải dùng nước giếng cho việc ăn uống, sinh hoạt dù biết rằng nguy cơ nguồn nước bị ô nhiễm rất cao do nằm ngay cạnh nghĩa trang Hòa Sơn!
Dự án nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày lên 230.000m3/ngày đã được UBND TP Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư số 1046/QĐ-UBND ngày 27/2/2017 nhưng đến bây giờ vẫn đang nằm... trên giấy! (Ảnh: HC) |
Trong khi đó, người dân nhiều khu vực thuộc quận ven biển Sơn Trà, khu vực Tân Trà, Đông Hải (quận Ngũ Hành Sơn) cũng cho biết, gần cả tuần qua không có nước máy từ 5g sáng đến 12g đêm giữa mùa hè oi bức trên 40 độ C. Nhiều người không dám ngủ mà cứ thao thức bật dậy giữa đêm khuya, hoặc cài báo thức lúc 1g sáng để hứng nước cho cả ngày hôm sau. Do nước rất yếu nên họ phải chờ đợi rất lâu mới hứng được vài xô, khiến ai nấy đều rất mệt mỏi, bức xúc.
Tại các bãi tắm công cộng cũng xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt cho người dân và du khách sử dụng sau khi tắm biển. Mặc dù loa phát thanh của BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng liên tục phát thông báo yêu cầu các bãi tắm phải có đủ nước cho khách nhưng rất nhiều du khách đã bực mình vì phải trả tiền nhưng không có nước ngọt để tráng lại sau khi tắm biển!
Xác nhận tình trạng trên, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho hay, nguyên nhân là do từ đầu năm 2017 đến nay, nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn TP tăng đột biến bởi sự gia tăng số lượng khách hàng. Các dự án đô thị mới hình thành kéo theo lượng cư dân mới và khiến mạng lưới cấp nước căng ra nhiều hướng. Hoạt động du lịch phát triển, lượng du khách tăng cũng kéo theo nhu cầu sử dụng nước tăng mạnh.
“Hiện tổng công suất thiết kế của hệ thống cấp nước Đà Nẵng là 210.000m3/ngày, nhưng công suất khai thác đã lên tới 250.000m3/ngày, vượt tải 20%. Trong khi đó, nhu cầu dùng nước của TP vẫn cần thêm 50.000 – 60.000m3/ngày. Nhiều khu vực như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu thường xuyên thiếu nước, các khách hàng (tư nhân và doanh nghiệp) phàn nàn nhiều với Dawaco và lãnh đạo các cấp về tình trạng này!” – Tổng Giám đốc Dawaco Hồ Hương cho hay.
Đặc biệt, áp lực nước ở khu vực cuối nguồn cung đang xuống rất thấp, nhất là các khu vực cuối nguồn ở Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn. Các khu vực này vốn được bổ sung áp lực cấp nước từ các nhà máy cấp nước Hải Vân và Hồ Xanh, nhưng do thời tiết nắng nóng, nguồn nước từ các suối khô cạn nên các nhà máy này tạm ngừng hoạt động từ một tháng nay.
Theo ông Hồ Hương, hiện nguồn cung cấp nước đang rất thiếu trên hệ thống truyền dẫn. Những ngày qua thời tiết nắng nóng kéo dài làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước. Thêm vào đó, Lễ hội pháo hoa quốc tế DIFF 2017 thu hút rất đông du khách nên nhu cầu dùng nước càng tăng cao. Các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn vốn mất nguồn cung từ nhà máy cấp nước Hồ Xanh trong khi ở đây lại tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng lớn khiến áp lực nước càng giảm trầm trọng.
Tiền phải gửi ngân hàng, còn nhà máy nước nằm trên giấy chờ… thủ tục!
Trước tình hình đó, trong báo cáo ngày 5/6 gửi lãnh đạo TP Đà Nẵng, Dawaco cho hay, để đáp ứng nhu cầu dùng nước đang gia tăng của TP, Dawaco đã đề xuất các phương án nâng công suất cấp nước của hệ thống. Bao gồm nâng công suất nhà máy nước Cầu Đỏ từ 170.000m3/ngày lên 230.000m3/ngày (dự án đã được UBND TP Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư số 1046/QĐ-UBND ngày 27/2/2017).
Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng nhà máy nước Hòa Trung công suất 10.000m3/ngày (dự án đã được BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 86/QĐ-BQLKCNC ngày 30/11/2016). Đặc biệt, đối với dự án xây dựng nhà máy nước Hòa Liên công suất 120.000m3/ngày, UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản 1305/UBND-KTĐN ngày 27/2/2017 thống nhất phương án đầu tư của Dawaco và đã trình xin ý kiến của Chính phủ. Cùng với đó là đầu tư xây dựng gần 40km đường ống chuyển dẫn chính D400 – D1200 theo dự án vay vốn ADB để đưa nước sạch từ nhà máy nước Hòa Liên và nhà máy nước Cầu Đỏ về TP.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tại hội nghị “HĐND với cử tri” ngày 6/6, ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cho hay, nhà máy nước Hòa Liên không làm với vốn vay ODA của Nhật nữa mà được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép Dawaco tự làm bằng nguồn vốn huy động trong nước nhằm giảm giá thành cung cấp nước cho người dân Đà Nẵng.
Đáng nói là, cả 3 dự án xây dựng nhà máy nước nói trên tuy đã được các cấp thẩm quyền thống nhất chủ trương, có dự án đã được phê duyệt từ cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn còn… nằm trên giấy. Nguyên nhân, như ông Nguyễn Xuân Anh đã thông tin tại hội nghị “HĐND với cử tri” ngày 6/6, là Đà Nẵng đang xúc tiến một số dự án liên quan đến vấn đề cấp nước nhưng thủ tục rất chậm!”.
“Hồ Hòa Trung đến bây giờ đang còn trên giấy tờ. Sở KH-ĐT phải hết sức lưu ý vấn đề này. Tôi biết Dawaco đang xúc tiến các thủ tục để xây dựng các nhà máy nước mới, đảm bảo nguồn cung cho TP. Phải đạt công suất 300.000 – 400.000m3/ngày đêm thì mới đảm bảo được, nhưng thủ tục của mình chậm quá” – Ông Nguyễn Xuân Anh thốt lên tại hội nghị “HĐND với cử tri” ngày 6/6.
Ông Đặng Thanh Bình, thành viên HĐQT Dawaco cho biết thêm: “Không đợi đến bây giờ mà chúng tôi đã nhận thấy vấn đề thiếu nước của Đà Nẵng từ sớm và đã ráo riết đề xuất các phương án nhằm đảm bảo cho nhiệm vụ hàng đầu là duy trì sản xuất nước sinh hoạt ổn định, an toàn. Thậm chí nguồn vốn cho các dự án kể trên cũng đã chuẩn bị sẵn. Thế nhưng trong khi người dân đang thiếu nước, thì chúng tôi phải đem tiền gửi ngân hàng, còn các nhà máy nước cứ nằm hoài trên giấy chờ… thủ tục. Đây là điều mà chúng tôi hết sức bức xúc!”.