Đà Nẵng: Công bố lần đầu tiên nhiều hiện vật quý về văn hóa Chăm
Cùng với cuộc tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm thành lập (Infonet đã đưa tin), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đang giới thiệu 3 chuyên đề trưng bày gần 100 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật lần đầu tiên được công bố, về di tích Chăm tại Đà Nẵng, cổ vật văn hóa Sa Huỳnh-Champa (của nhà sưu tầm Lâm Dũ Xênh) và văn khắc-chữ viết Chăm.
Nhiều hiện vật gốm, thạch anh, ngà voi, vàng… thu thập được tại các lòng tháp Chăm ở Phong Lệ, Cấm Mít lần đầu tiên được Bảo tàng Chăm Đà Nẵng công bố (Ảnh: HC) |
Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cho hay, trước đây, trong bộ sưu tập của bảo tàng này đã có một số hiện vật thu thập được từ các địa phương như Phong Lệ, Xuân Dương, Quá Giáng (thuộc địa bàn Đà Nẵng) nhưng được trưng bày chung trong “Phòng Quảng Nam”.
Với kết quả sưu tầm và khai quật khảo cổ do Bảo tàng tiến hành trong những năm gần đây, số hiện vật thuộc các di tích Chăm tại Đà Nẵng tăng lên nhiều về số lượng và đa dạng về nội dung. Tại chuyên đề “Di tích Chăm tại Đà Nẵng”, ngoài các tác phẩm điêu khắc có giá trị nghệ thuật cao như bức phù điêu “Siva – Phong Lệ”, khách tham quan còn lần đầu tiên được xem các hiện vật gốm, thạch anh, ngà voi, vàng… thu thập được tại các lòng tháp Chăm ở Phong Lệ, Cấm Mít.
Bộ sưu tập đầu tượng, chóp tháp thuộc di tích Quá Giáng cũng được bổ sung những hiện vật phong phú được phát hiện qua khai quật năm 2014. Các hiện vật thuộc di tích Chăm ở Khuê Trung (bia chữ Chăm cuối thế kỷ 9), ở chùa An Sơn (bệ tượng có chạm hình cánh sen), ở chùa Ngũ Hành Sơn (bệ thờ Indra – phiên bản) cũng có mặt tại trưng bày chuyên đề này, gợi cho người xem cái nhìn tổng quát về sự phân bố các di tích Chăm tại khu vực Đà Nẵng, vốn là một cửa ngõ giao thương quan trọng từ thời Vương quốc Champa.
Du khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Chăm Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Với chuyên đề “Văn khắc và chữ viết Chăm”, Bảo tàng Chăm Đà Nẵng giới thiệu một số văn bia tiêu biểu là những bài ca tụng dâng cúng thần linh hoặc chỉ một con chữ để làm ký hiệu cho việc lắp ghép các bộ phận của các đài thờ đồ sộ như đài thờ Mỹ Sơn E1 và đài thờ Đồng Dương. Bên cạnh đó còn có các văn bản chữ viết Chăm trên các chất liệu giấy, lá buông. Ngoài ra, chuyên đề này cũng tưng bày bộ sưu tập văn bản chữ viết Chăm là kết quả nghiên cứu, sưu tầm của Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm, tỉnh Ninh Thuận.
Trong khi đó, chuyên đề “Cổ vật văn hóa Sa Huỳnh-Champa” trưng bày bộ sưu tập của nhà sưu tập Lâm Dũ Xênh (Quảng Ngãi), với nhiều hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như mộ chum, trang sức thủy tinh, thạch anh và hiện vật gốm, kim loại. Ở đây, người xem sẽ hình dung được mối quan hệ tiếp nối giữa văn hóa Sa Huỳnh và Champa qua đặc trưng hoa văn, kiểu dáng và kỹ thuật chế tác thể hiện ở sản phẩm gốm.
Theo ông Võ Văn Thắng, hình thức liên kết, phối hợp với các đơn vị bảo tồn, bảo tàng ngoài TP Đà Nẵng, kể cả các nhà sưu tập tư nhân, là một hướng hoạt động tích cực của Bảo tàng Chăm Đà Nẵng trong những năm gần đây nhằm nâng cao vai trò của bảo tàng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.