Đà Nẵng: Cảnh báo từ 31/10–4/11 có nguy cơ tái diễn mưa, ngập lịch sử
Trưa 28/10, ông Lê Văn Tuyến, Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) TP Đà Nẵng cho hay, theo tin của Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung bộ, hiện nay ở vùng biển phía Đông đảo Palawan (Philippines) có một vùng áp thấp đang hoạt động.
Nguy cơ từ ngày 30/10 - 4/11/2019, Đà Nẵng sẽ xảy ra mưa to đến rất to, gây ngập lụt nặng... (Ảnh: HC) |
Hồi 7h sáng nay 28/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 10 – 11 độ vĩ Bắc; 120 – 121 độ kinh Đông, cách phía Bắc đảo Palawan khoảng 100km về phía Đông. Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ).
Đến 7h ngày 29/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 11,5 độ vĩ Bắc; 116,5 độ kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 230km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 – 7 (tức 40 – 60km/h), giật cấp 9.
Ông Lê Văn Tuyến cho biết, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng đã nhận được cảnh báo, do ảnh hưởng kết hợp của các hình thế: bão/ATNĐ, không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường, nhiễu động gió Đông trên cao nên từ ngày 31/10 đến ngày 4/11, tại TP Đà Nẵng có khả năng cao xuất hiện một đợt mưa to, mưa rất to trên diện rộng.
Theo dự báo, tổng lượng mưa từ ngày 31/10 – 4/11 tại huyện Hòa Vang, các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn phổ biến 300 – 450mm, có nơi trên 600mm; các quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu phổ biến 250 – 400mm, có nơi trên 500mm; huyện đảo Hoàng Sa phổ biến 100 – 200mm…
Để chủ động đối với với diễn biến của tình hình nêu trên, ông Lê Văn Tuyến cho biết, trưa 28/10, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng đã có Thông báo số 27/TB-PCTT về vùng áp thấp gần Biển Đông và mưa lớn diện rộng gửi đến các cơ quan, đơn vị hữu quan và chính quyền các địa phương.
Theo đó, đề nghị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) TP Đà Nẵng và Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng thông báo kịp thời cho các chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của vùng áp thấp để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm.
như đã từng xảy ra trong đợt mưa lớn kỷ lục hồi tháng 12/2018. |
Đồng thời đề nghị Bộ chỉ huy BĐBP TP chủ động thực hiện việc quản lý tài thuyền ra khơi theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng tại Công văn 1608/UBND-PCTT ngày 8/3/2017; quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền, phương tiện đang hoạt động trên biển để kịp thời tổ chức ứng cứu khi cần thiết.
Trong khi đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương được yêu cầu rà soát các khu dân cư ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý nhân dân sống tại vùng ven sông Túy Loan và Cu Đê, thông báo tình hình mưa lớn đến nhân dân chủ động ứng phó.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN cũng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở TN-MT chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp xử lý đảm bảo thoát nước, chống ngập úng và vệ sinh môi trường.
Đồng thời yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của vùng áp thấp và mưa lớn diện rộng để chr động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc với Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Đà Nẵng.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, từ đêm 8/12 đến tối 9/12/2018, trên địa bàn TP Đà Nẵng đã xảy ra mưa cực lớn với lượng mưa được ghi nhận đạt mức kỷ lục từ trước đến thời điểm đó, lên tới 610mm, cao hơn hẳn so với trận mưa kỷ lục vào ngày 3/11/1999 với 593mm trong 24 giờ.
Do đợt mưa lớn kỷ lục này, TP Đà Nẵng đã bị ngập nặng kéo dài trên diện rộng, nhiều khu vực vị cúp điện, cúp nước, ngập ô tô; học sinh toàn TP phải nghỉ học ngày 10/12/2018, sau đó nhiều trường phải tiếp tục cho học sinh nghỉ học vì còn bị ngập nặng; HĐND TP Đà Nẵng cũng phải lùi kỳ họp cuối năm 2018 sang tuần sau, rác tấp vào dày đặc ở khu vực bãi biển và tồn lưu tràn lan trên các tuyến đường…
Theo dự báo, đợt mưa từ ngày 31/10 – 4/11/2019 sắp tới cũng sẽ diễn ra trên diện rộng, ở khắp tất cả các quận, huyện với tổng lượng mưa được dự báo phổ biến 300 – 450mm, có nơi trên 600mm. Do vậy, nguy cơ Đà Nẵng lại bị “thất thủ” do ngập nặng tràn lan như với trận mưa lịch sử hồi tháng 12/2018 là hoàn toàn có thể xảy ra.