Đà Nẵng: 18 năm xây 23 cây cầu
Theo Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung, năm 1997 (khi tách tỉnh QN-ĐN, Đà Nẵng trở thành TP trực thuộc TƯ), mạng lưới đường bộ trên địa bàn chỉ khoảng 420km, phần lớn có chất lượng kém do nhiều năm không được trung đại tu; thậm chí 20,87% đường đô thị là đường đất, đường tỉnh chỉ khai thác vào mùa khô và chỉ có 2 cây cầu với tổng chiều dài 569m.
Sáng 26/5, Sở GTVT Đà Nẵng tổ chức lễ đón nhân danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang được Đảng, Nhà nước trao tặng cho Ban Giao vận Quảng Đà (nay là Sở GTVT Đà Nẵng) - Ảnh: HC |
Đến năm 2015, tổng chiều dài mạng lưới đường bộ của Đà Nẵng đã lên hơn 1.200km và có 25 cây cầu với tổng chiều dài 4.000m. Tính ra, trong 18 năm qua, Đà Nẵng đã mở mới 780km đường và xây mới 23 cây cầu có tổng chiều dài hơn 3,4km!
“Cùng với sự phát triển mạng lưới đường bộ, không gian đô thị Đà Nẵng đã mở rộng về phía Đông Nam, Nam, Tây Nam và Tây Bắc TP. Đặc biệt, các cây cầu không chỉ mở ra cơ hội phát triển mới cho dân cư ven bờ mà còn thúc đẩy hình thành các khu đô thị mới khang trang, hiện đại và đóng vai trò quan trọng thực hiện chủ trương “kéo dài bờ sông, kéo dài bờ biển” của TP. Nhiều cây cầu được thiết kế hiện đại, xây dựng theo công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế không chỉ là công trình giao thông mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, nơi tham quan, du lịch góp phần làm cho TP đẹp hơn, hiện đại hơn” – ông Lên Văn Trung nêu rõ.
Trong đó, cầu Sông Hàn – cây cầu của “ý Đảng, lòng dân” cùng với cầu Thuận Phước – cầu treo dây vong dài nhất Việt Nam đã làm thay đổi vùng đất bên hữu ngạn sông Hàn, xóa đi khoảng cách chia cắt về không gian, đời sống kinh tế giữa hai bờ và thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch của Đà Nẵng.
Cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý không chỉ là những cây cầu kết nối giao thông hai bờ sông Hàn mà với sự độc đáo về ý tưởng thiết kế, hai cây cầu này còn mang vẻ đẹp mê hoặc, hiện đại khi đêm về, tạo lập nên biểu tượng mới cho Đà Nẵng. Đặc biệt, các công trình này đã tạo sự kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng, đường Nguyễn Văn Linh và vùng du lịch ven biển, mở rộng liên kết với các tuyến du lịch trọng điểm như Sơn Trà, Hội An…
Cầu Sông Hàn, cây cầu mở đường cho hàng loạt cây cầu xuất hiện ở Đà Nẵng trong 18 năm qua (Ảnh: HC) |
Trong khi đó, cầu Nguyễn Tri Phương, Khuê Đông và đường Võ Chí Công kết nối trung tâm TP Đà Nẵng với khu vực phía Đông Nam TP; cầu Tiên Sơn, Nguyễn Tri Phương, Hòa Xuân, Cẩm Lệ… mở đường cho việc mở rộng không gian đô thị về phía Đông Nam, Tây Nam TP, cầu Tà Lang – Giàn Bí không chỉ đáp ứng nhu cầu di lại của người dân miền núi Hòa Vang mà còn là cơ hội phát triển KT-XH ở khu vực Tây Bắc TP. Các cầu Hòa Phước, Cổ Cò và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tuyến vảnh đai phía Nam) tạo nên trục giao thông chính, quan trọng và là cú hích rất thuận lợi cho Đà Nẵng mở rộng và phát triển không gian đô thị về phía Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn nêu rõ, những kết quả nêu trên đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và lựa chọn khâu đột phá đúng đắn của TP Đà Nẵng là "xây dựng cơ sở hạ tầng và hạ tầng giao thông phải đi trước một bước" như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng từng biểu dương tại lễ khánh thành cầu Thuận Phước (ngày 19/7/2009).
Với tinh thần đó, ông yêu cầu ngành GTVT TP chủ động phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan của Bộ, các doanh nghiệp liên quan sớm triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình giao thông đối ngoại của Đà Nẵng. Trọng tâm là các dự án Hành lang kinh tế Đông Tây 2, nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt trên 06 triệu lượt khách/năm, nâng cấp Cảng Tiên Sa giai đoạn 2, mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, nâng cấp QL 14G.
Đồng thời sớm triển khai, hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư các dự án di dời Ga đường sắt ra khỏi trung tâm TP, xây dựng Cảng Liên Chiểu, xây dựng một số nút giao khác mức giữa đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh. Tiếp tục phối hợp sớm hoàn thành xây dựng các công trình đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh (đoạn La Sơn - Túy Loan).