Đã đến lúc doanh nghiệp tái thiết kế phương thức kinh doanh
Ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp để sống an toàn...
.Có thể nói, trải qua những tác động của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm.
Đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh... (ảnh minh họa) |
Đáng lo hơn, đợt dịch này đã xâm nhập và tác động tiêu cực tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung lượng lớn người lao động, nhất là ở các tỉnh, thành phố thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, sản xuất quy mô lớn, ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương và cả nước…
Để tiếp sức cho doanh nghiệp, mới đây, VCCI đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, góp ý dự án Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp thu ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước tác động của Covid-19. Nhiều đề xuất được đề nghị bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và quy mô khoản hỗ trợ từ ngân sách cho các doanh nghiệp.
Đồng thời kiến nghị, các chi phí về phòng chống, dịch bệnh của doanh nghiệp để duy trì sản xuất, nhất là trong thời kỳ giãn cách tại một số địa phương theo Chỉ thị 16 cần được coi là khoản hỗ trợ từ ngân sách, được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp sau.
Chính phủ cũng có nhiều chính sách linh hoạt để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất cho doanh nghiệp, chuỗi cung ứng hàng hóa cho nền kinh tế.
Ông Hoàng Quang Phòng nhận định, đến nay, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, doanh nghiệp "thấm mệt", đặc biệt là nỗi khổ về sinh kế của người dân. Nhà nước không thể có đủ nguồn lực cấp phát tiền mặt như những nước giàu, mà ngay cả những gói cứu trợ cũng hầu như không phát huy tác dụng nhiều...
Theo đó, ngoài những giải pháp của Chính phủ, các địa phương, đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải tính đến câu chuyện tái thiết kế các phương thức kinh doanh, tìm kiếm khả năng kinh doanh mới, tái cơ cấu doanh nghiệp, tìm cách thức quản trị mới để sống chung, sống an toàn trong môi trường biến đổi này.
Phó Chủ tịch VCCI cho rằng tùy theo quy mô, mỗi doanh nghiệp sẽ có những mô hình phù hợp để giữ cho doanh nghiệp an toàn với Covid-19 song các mô hình đều phải tuân thủ nguyên tắc chủ động, từ lãnh đạo cao nhất đến toàn thể nhân viên cần nhận thức rõ và đồng lòng cùng tham gia phòng, chống dịch. Bởi lẽ nếu chỉ tập trung mục tiêu sản xuất, khi có dịch bệnh xảy ra, công ty sẽ bị thiệt hại nặng nề hơn.
Để vượt qua thách thức hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm chuyển đổi mô hình hoạt động, số hóa trong các khâu vận hành, quản lý, khai thác, giao nhận vận tải và tạo nên những làn sóng lan tỏa trên thị trường.
Rất nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực như bán lẻ, dịch vụ… đã chuyển từ kênh kinh doanh truyền thống sang thương mại điện tử.
“Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi số và có lòng tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng vượt qua thách thức, đón bắt các cơ hội của thị trường đều là những doanh nghiệp đã và đang trụ vững, phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng của dịch Covid-19”, ông Hoàng Quang Phòng nói.
Theo bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Công ty Deloitte Việt Nam, doanh nghiệp cần có cái nhìn toàn diện hơn về quản trị rủi ro và quản trị khủng hoảng. Trong khảo sát gần đây được Deloitte thực hiện, nhận thấy các công ty đang đánh giá các rủi ro hiện hữu chỉ mức trung bình và cho mục tiêu ngắn hạn mà chưa quản trị cho các mục tiêu tương lai.
Theo kết quả khảo sát của Deloitte Việt Nam, 79% doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ làm việc từ xa và tạo điều kiện phối hợp giữa các bộ phận khi làm việc từ xa tỏ ra vững vàng trong biến cố và dễ xoay chuyển cục diện kinh doanh.
Bà Thanh cho rằng trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, xây dựng quy trình, chính sách và cơ chế giám sát ngân quỹ, minh bạch tài chính, xây dựng khung quản lý khủng hoảng. Cùng với đó, cần lập kế hoạch kinh doanh liên tục và tăng cường áp dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiền Anh
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.