Đã có phần mềm giúp phụ huynh phát hiện sớm chứng tự kỷ ở trẻ
Phần mềm này đã được giới thiệu tại chương trình “Tương tác và khám phá: Ngày hội cùng trẻ tự kỷ” tổ chức tại Hà Nội ngày 11/10. Sự kiện này đã thu hút sự tham gia của khoảng 300 trẻ nhỏ, trẻ mắc hội chứng tự kỷ, phụ huynh cùng với các chuyên gia như bà Dương Thị Vân - Chủ tịch hội người khuyết tật Hà Nội; Giáo sư Nguyễn Hoàng Yến - nguyên phó Viện trưởng Viện Khoa học, Giáo dục Việt Nam; bà Nguyễn Viết Hạnh - đại diện mạng lưới người tự kỷ Việt Nam; Tiến sỹ Vũ Song Hà - Phó Giám đốc của Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số; Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mai - giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội; Nhà văn Trang Hạ và ca sỹ Thái Thùy Linh...
Phần mềm ứng dụng A365 được giới thiệu có thể hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc, cán bộ y tế thực hiện sàng lọc phát hiện sớm rối loạn phát triển và rối loạn phổ tự kỷ; can thiệp sớm tại nhà; cung cấp thông tin và hỗ trợ các nghiên cứu viên và những người xây dựng phần mềm hiểu rõ hơn tình trạng hiện tại của trẻ để xây dựng chương trình can thiệp phù hợp hơn.
Phần mềm này được thực hiện hoàn toàn miễn phí nhằm hỗ trợ chăm sóc một cách thông minh, can thiệp kịp thời và đúng lúc đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Cũng tại chương trình, các chuyên gia cho rằng khó khăn đối với việc chăm sóc trẻ mắc hội chứng tự kỷ hiện nay chủ yếu là do hiểu biết về rối loạn phổ tự kỷ vẫn còn nhiều hạn chế. Trẻ tự kỷ và gia đình trẻ tự kỷ hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm và hòa nhập xã hội do sự thiếu hụt về dịch vụ, nhận thức của mọi người và sự kỳ thị, phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ chưa nhận biết được các dấu hiệu nguy cơ để có những hành động sớm; sàng lọc phát triển chưa được lồng ghép vào khám định kỳ cho trẻ nhỏ; và các dịch vụ can thiệp dành cho trẻ vừa thiếu vừa vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình. Mặc dù cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong can thiệp và nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động chính sách nhưng những hỗ trợ cho cha mẹ và các tổ chức, mạng lưới của cha mẹ còn hạn chế.
Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mai - giảng viên bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội cho biết, trong quá trình giảng dạy cho các bác sỹ, Đại học Y Khoa Hà Nội đã đưa vào chương trình giảng dạy nội dung liên quan đến việc khám, chẩn đoán để phát hiện sớm các dấu hiệu hội chứng tự kỷ. Tuy nhiên, các bác sỹ ở vùng sâu, vùng xa do nhiều điều kiện khó khăn khác nhau nên việc cập nhật kiến thức về vấn đề này vẫn chưa được thường xuyên. Trong thời gian tới, Đại học Y Hà Nội sẽ có những biện pháp nhằm cải thiện tình trạng này, cũng như xây dựng các chương trình hướng dẫn phụ huynh tương tác với con để nâng cao chất lượng can thiệp cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ sẽ có giải pháp quan tâm hơn nữa đến trẻ và gia đình có trẻ mắc hội chứng tự kỷ như những chính sách đã có đối với trẻ câm điếc, trẻ khiếm thính… nhằm góp phần giảm bớt áp lực cho gia đình có trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Ngoài ra, chương trình "Tương tác và khám phá: Ngày hội cùng trẻ tự kỷ” cũng có nhiều hoạt động hấp dẫn, mang tính kết nối cao. Mặc dù còn gặp khó khăn trong giao tiếp nhưng các em mắc hội chứng tự kỷ vẫn trình diễn văn nghệ rất tự tin và xuất sắc trên sân khấu trước sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo phụ huynh và khách mời.
Các em nhỏ còn được tham gia vào các hoạt động thể chất để tăng cường vận động như đá bóng, vượt chướng ngại vật, làm đồ tái chế. Đây cũng là các hoạt động nằm trong chương trình can thiệp hàng ngày đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ.
Ở phần cuối chương trình, các em đã tham gia thả bóng bay. Những quả bóng bay mang theo ước mơ của các em không may mắc hội chứng tự kỷ với hy vọng về một ngày mai tươi sáng.
Sự kiện do Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) phối hợp với Mạng lưới người tự kỷ Việt Nam (VAN), Câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội, công ty Vạn Đắc Phúc phối hợp tổ chức.