Cứu sống cụ bà 90 tuổi tiêu tiểu, ói ra máu ồ ạt
BS kiểm tra lại sức khỏe cho cụ L sau ca phẫu thuật |
Ngày 9/11, BS CKI Bành Tấn Phong, Khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM) cho biết, bệnh nhân là bà N.T.L (90 tuổi, nhà ở Long An) được đưa đến khoa Cấp cứu trong tình trạng choáng, huyết áp tụt, xuất huyết tiêu hóa nặng gây tiêu tiểu và ói ra máu.
Bà còn mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác là viêm phổi, suy tim nặng, cơ thể suy kiệt vì nhiều ngày không ăn uống được. Bệnh nhân phải đối diện với nguy cơ tử vong rất cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Các bác sĩ đã truyền cho bà 20 đơn vị máu (tương đương 6 lít) kèm điều trị bằng thuốc và nội soi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, cả hai phương pháp thất bại. Bệnh nhân vẫn cứ chảy máu ồ ạt, truyền bao nhiêu máu đều không hấp thụ được.
Th.S – BS Cao Tấn Phước, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, thông thường, với những bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, sau khi 2 phương pháp điều trị ban đầu là dùng thuốc và nội soi thất bại, bệnh nhân sẽ được thực hiện phẫu thuật mổ hở. Thế nhưng, phẫu thuật ở trường hợp của bà cụ là không thể.
“Chúng tôi hội chẩn nhiều lần và không khỏi đắn đo, phẫu thuật hay không phẫu thuật. Theo kinh nghiệm của tôi, bà cụ 90 tuổi không thể vượt qua một cuộc phẫu thuật vì sức khỏe quá yếu và có nhiều nguy cơ. Cơ hội sống sau phẫu thuật rất thấp” – BS Phước nói.
Trước tình hình đó, các bác sĩ mạnh dạn thực hiện phương pháp mới là can thiệp mạch máu cho bệnh nhân. Đây là phương pháp đã được bệnh viện thực hiện nhiều ca trên bệnh nhân chấn thương nội tạng, can thiệp mạch máu não. Thế nhưng can thiệp động mạch dạ dày ở một bệnh nhân quá lớn tuổi và thể trạng yếu như thế này thì đây là lần đầu tiên.
BS CKI Ngô Mạnh Tuấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh cho biết, chính vì bệnh nhân quá lớn tuổi nên quá trình can thiệp khá khó khăn. Can thiệp mạch máu thực hiện khi bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn (không gây mê hay gây tê) nên phải thực hiện thật nhanh.
Trong thời gian gấp rút đó, bác sĩ phải đưa dụng cụ từ động mạch đùi vào mạch máu dạ dày, phải xác định được “thủ phạm” gây chảy máu rồi làm bít tắc mạch máu đó. Nếu bít sai mạch máu, bệnh nhân có thể bị hoại tử dạ dày, nguy hiểm đến tính mạng.
Thao tác này đối với người bình thường chỉ diễn ra trong vòng một vài phút, riêng với ca bệnh của bà cụ kéo dài 15 phút vì mạch máu bệnh nhân không nhìn rõ như người trẻ và nhiều chỗ bị xơ hóa, bị hẹp. Các bác sĩ phải can thiệp 2 lần mới thành công. Trong quá trình can thiệp, bác sĩ điều trị cũng phải tham gia để trợ giúp khâu hồi sức cho bệnh nhân.
Sau ca can thiệp, bà cụ ngưng tình trạng xuất huyết dạ dày, đã ăn uống và sinh hoạt tốt. Các bác sĩ tiếp tục điều trị suy tim, viêm phổi và điều chỉnh dinh dưỡng cho cụ.