Cựu PGĐ Sở Hà Giang "tung hê", đề nghị lật lại điều tra kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017
Kiến nghị điều tra kỳ thi 2017
Quá bức xúc với các đồng nghiệp cấp dưới là Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và Vũ Trọng Lương (Phó Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục), bị cáo Triệu Thị Chính – nguyên (PGĐ) Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – sau khi được luật sư “gợi ý” đã mạnh dạn đề nghị HĐXX kiến nghị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang điều tra về những sai phạm (có thể) xảy ra tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Đề nghị này được đưa ra ngay tại phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Sở dĩ có đề xuất này là bởi vì trong quá trình trả lời HĐXX chiều 15/10, Triệu Thị Chính luôn khẳng định mình là người chống tiêu cực nên không có chuyện can thiệp vào việc nâng điểm thi cho các thí sinh.
Bị cáo Triệu Thị Chính. |
Cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang cho biết, ngay từ kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, báo chí và dư luận trong xã hội đã có sự nghi ngờ về tính trung thực trong việc tổ chức chấm thi ở Hà Giang do có những thí sinh điểm cao bất thường.
“Để có sự công bằng và xem xét cả một quá trình, tôi mong muốn giữ lại kết quả chấm thi năm 2017 và đề nghị HĐXX kiến nghị với cơ quan ANĐT điều tra về kỳ thi năm 2017, để xem có hay không vụ lợi vật chất. Vì không một người bình thường nào đi nâng điểm cho bằng đấy người mà không có bất kỳ vụ lợi gì”, bị cáo Triệu Thị Chính nói.
Trước đó, Triệu Thị Chính khẳng định quá bất ngờ khi biết thông tin hai cấp dưới của mình là Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương dám “một tay che cả bầu trời”, nâng điểm cho hơn 100 thí sinh tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
“Ngay khi có những nghi vấn về kỳ thi năm 2017, tôi đã trao đổi với thầy Sử (Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang – PV), thầy Sử bảo tôi năm tới (2018) sẽ làm chặt để không có tiêu cực”, bị cáo Chính nói.
Nhờ xem điểm vì cần… ngoại giao với lãnh đạo tỉnh
Triệu Thị Chính cũng liên tục khẳng định mình không chỉ đạo hay nhờ Hoài nâng điểm cho các thí sinh. Việc đưa mẩu giấy có in thông tin 13 thí sinh cho Hoài chỉ là “nhờ xem điểm” chứ không phải “nhờ nâng điểm”.
“Theo kế hoạch, ngày 11/7/2018 là ngày Bộ GD&ĐT công bố điểm thi quốc gia trên toàn quốc, nhưng trước đó 3 ngày, ngày 08/07 là ngày khai mạc kỳ họp HĐND tỉnh Hà Giang, thầy Sử nói với tôi cần phải xem trước điểm thi của con em các lãnh đạo trong tỉnh, để nếu trong cuộc họp HĐND, các anh ấy có hỏi thì còn trả lời để… ngoại giao”.
HĐXX tại phiên tòa. |
Cựu PGĐ Sở GD&ĐT Hà Giang cũng nhắc lại nhiều lần việc “thầy Sử” sống có tình cảm, nên mới trăn trở với con của các vị lãnh đạo trong tỉnh, trong đó có con của Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh.
Quá trình điều tra, Cơ quan ANĐT cũng thu thập tin nhắn trong điện thoại của Chính, trong đó có tin nhắn của bà Nga, vợ của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nhờ xem điểm cho một thí sinh. Bà Chính trả lời trong tin nhắn với nội dung: “Quy chế rất chặt, không làm gì được đâu”.
Đại diện VKS đặt câu hỏi, việc bị cáo báo cáo với ông Vũ Văn Sử và thống nhất cần làm chặt chẽ quy chế thi năm 2018, vậy lý do gì bị cáo lại đưa danh sách 13 thí sinh cho Hoài, điều này đi ngược lại với lời nói của bị cáo là luôn “chống tiêu cực”.
Cựu PGĐ Sở GD&ĐT nói: “Lúc dó tôi chỉ nghĩ nhờ xem điểm là không vi phạm, tôi là người chống vi phạm, tôi làm chặt chẽ và Bộ GD&ĐT đã thừa nhận. Nếu tôi không làm chặt chẽ chắc chắn sẽ còn phức tạp hơn”.
Về mối quan hệ với Hoài và Lương, bị cáo Chính khẳng định không có mâu thuẫn gì với Lương, nhưng có sự cảm nhận trong quá trình làm việc Hoài không đồng quan điểm vì bị cáo làm chặt chẽ.
“Tôi nhận được những thông tin nhiều lần Hoài tỏ thái độ thiếu tôn trọng tôi. Vừa rồi khi kiểm điểm với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, có nhiều đồng chí trong Ban Chấp hành cũng nói lại điều này”.
Đại diện VKS bê chồng hồ sơ đến tòa. |
Bị cáo cho rằng nếu chỉ “xem điểm trước” thì không vi phạm quy chế thi, những người nhờ vả bị cáo cũng không hứa hẹn gì về vật chất hay cơ hội thăng quan tiến chức.
“Không có ai hứa hẹn với tôi về cơ hội thăng quan tiến chức vì thực tế tôi lúc đó đã hết tuổi bổ nhiệm rồi. Thứ hai, tôi đang là PGĐ Sở, công việc rất thuận lợi”.
Những lời khai của bà Chính trước HĐXX hoàn toàn khác với những gì bà đã khai tại cơ quan điều tra, bởi tại cơ quan điều tra bà thừa nhận có tác động để nâng điểm cho các thí sinh. Lý giải cho sự “vênh nhau” này, bị cáo cho biết:
“Tôi nghĩ là mình không làm gì sai nên không đọc kỹ biên bản, mà biên bản đấy nội dung ghi không đồng nhất, khi đó tôi đang rất tâm trạng. Tôi đang rất mệt mỏi và chỉ nghĩ đơn giản là tôi ghi vào đó là tôi nhất trí cơ bản chứ không nhất trí hết”.
Đại diện VKS cho rằng bị cáo là người có trình độ, nếu không đúng thì không ký, nên không thể nói là do mệt nên ký.
“Một cái liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình, bị cáo thừa trình độ để xem chỗ nào đúng, chỗ nào sai”, đại diện VKS nói.