Cựu điệp viên 2 mang Skripal bị đầu độc: Mỹ áp gói trừng phạt thứ 2 với Nga
Cựu điệp viên 2 mang Sergei Skripal và con gái Yulia Skripal |
Tờ Politico trích dẫn hai nguồn tin từ chính quyền Mỹcho biết, gói trừng phạt đầu tiên trong khuôn khổ đạo luật "Về kiểm soát vũ khí hóa học và sinh học", trong đó Washington cáo buộc Moscow không tuân thủ các yêu cầu, có hiệu lực vào ngày 27/8/2018.
Trước đó, các thành viên của Hạ viện thuộc đảng Dân chủ Mỹ Eliot Engel và đảng Cộng hòa Michael McCall đã gửi thư cho Tổng thống Trump kêu gọi áp dụng ngay lập tức gói trừng phạt thứ hai chống lại Nga liên quan đến vụ cựu điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc.
Hồi giữa tháng Năm, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Andrea Thompson đã thông báo gói trừng phạt thứ hai liên quan đến “vụ án Skripal” đã được chuẩn bị và gửi cho Bộ trưởng Ngoại giao và Tổng thống Mỹ.
Ngày 4/3/2018, cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại thành phố Salisbury. Họ đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê.
Ngay lập tức Anh đã cáo buộc Moscow liên quan vụ việc, đồng thời xác định chất độc thần kinh Novichok được sử dụng trong vụ đầu độc nói trên được sản xuất tại Nga.
London từ chối cung cấp cho Moscow thông tin về vụ việc, và các nhà ngoại giao Nga không được phép gặp Sergei Skripal và con gái mình.
Vì vụ cựu điệp viên Skripal dẫn đến căng thẳng ngoại giao Nga –Anh, Nga – phương Tây |
Vì vụ cựu điệp viên Skripal dẫn đến căng thẳng ngoại giao Nga –Anh, Nga – phương Tây, London đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Để ủng hộ Anh, một loạt các nước Liên minh châu Âu EU, Hoa Kỳ và một số nước khác tuyên bố trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó, Moscow luôn bác bỏ các cáo buộc trên của phía Anh. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết một phòng thí nghiệm của Thụy Sĩ đã xác định chất được sử dụng trong vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal là BZ.
Theo Ngoại trưởng Lavrov, chất độc này chưa từng được sản xuất tại Nga, nhưng lại rất phổ biến tại Anh, Mỹ và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác.
Ngoài ra, Moscow cũng tiến hành trục xuất số lượng các nhà ngoại giao tương ứng, đóng cửa Hội đồng Anh và Tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố St.Peterburg.
Vào thập kỷ 90, Skripal là một sĩ quan của Tổng cục Tình báo Quốc phòng Nga (GRU), và ông làm việc như một điệp viên hai mang cho Cục Tình báo Vương quốc Anh từ năm 1995 cho tới khi bị bắt tại Moscow vào tháng 12 năm 2004.
Hai năm sau, ông bị kết tội phản quốc và bị kết án 13 năm tù giam. Ông định cư tại Anh trong năm 2010 sau cuộc trao đổi gián điệp của Chương trình Illegals. Yulia Skripal là một công dân Nga, còn Sergei Skripal hiện là một công dân Anh.