Cựu chiến binh bị khai tử khi đang... sống
Ông Hoa nhiều lần kiến nghị sửa đổi kết luận trong phiếu xét duyệt thẩm định nhưng vẫn chưa được chấp nhận |
Bất ngờ bị… khai tử
Ngày 4/4/1976, ông Trịnh Xuân Hoa (SN 1957) trú tại xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn nhập ngũ, trở thành y tá thuộc Trung đoàn E19-F968. Sau thời gian huấn luyện, ông tham gia đoàn quân tình nguyện sang giúp nước bạn Lào, đóng quân tại địa bàn tỉnh Phoong Xê Đôn rồi chuyển về Sư đoàn 308 (tỉnh Hà Đông). Sau 9 năm phục vụ trong quân ngũ, tháng 3/1985, ông phục viên, về lại quê nhà.
Năm 2013, thực hiện Quyết định số 62/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp nước bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc”, ông Hoa kê khai giấy tờ để được nhận chế độ, hoàn tất hồ sơ chuyển lên cấp trên xét duyệt.
Sau một thời gian chờ đợi, đến tháng 12/2013, ông giật mình rồi lặng người khi cầm trên tay tờ “Phiếu xét duyệt thẩm định” số 412 do Trung tá Lê Đức Kỳ, chính trị viên thuộc Ban chỉ huy Quân sự huyện Nghĩa Đàn ký và Trung úy Trần Văn Mạnh xét duyệt, trong đó khẳng định “ông Trịnh Xuân Hoa đã chết năm 2011”.
Phiếu xét duyệt thẩm định người đang sống đã chết từ năm 2011 của Ban chỉ huy Quân sự huyện Nghĩa Đàn |
Theo đó, Thiếu tá Lương Xuân Tùng và Phó Chủ nhiệm Phòng Chính trị Phan Đức Nhuận thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An ký duyệt: Ông Trịnh Xuân Hoa chết năm 2011, được hưởng 3.600.000 đồng.
Ông Hoa lập tức đến Ban chỉ huy Quân sự xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Huyện đội Nghĩa Đàn để trình bày về vấn đề trái khoáy trên và yêu cầu làm rõ nhưng đến nay, vẫn không ai “cho phép” ông được… “sống lại”.
Gặp chúng tôi, ông Hoa chìa bàn tay vừa mổ, đang băng gạc trắng ra và bức xúc cho biết: “Tôi đang sống mà bị họ “bắt”… chết. Nếu có sai sót thì phải sửa sai ngay. Nhưng hơn một năm qua, tôi “kêu cứu” khắp nơi mà không có ai sửa cho tôi. Cũng tại vì tôi “đã chết” nên bệnh viện không cho hưởng bảo hiểm theo chế độ cựu chiến binh nên tôi bị mất oan 3.000.000 đồng. Hôm trước, tôi lên Huyện đội gặp anh Mạnh, anh hỏi: “Bác ở tiểu đoàn nào, đại đội nào?”. Tôi trả lời: “Tôi là y tá trực thuộc của trung đoàn”. Sau đó, anh ấy bảo nhầm với ai đó?! Tôi trả lời “Nếu có sai thì chỉ có thể trùng họ trùng tên, không thể nhầm được ngày sinh, tháng đẻ, ngày nhập ngũ và không thể nhầm từ sống sang chết. Không biết tôi còn “phải chết” đến bao giờ đây?”.
“Đá bóng trách nhiệm”
Làm việc với chúng tôi, Trung uý Trần Văn Mạnh, cán bộ chính sách Huyện đội Nghĩa Đàn cho rằng: “Ông Hoa lên đây kêu, tôi đã để ông khai lại toàn bộ thông tin nhưng ngồi từ 8 - 11 giờ mà ông không tài nào viết được. Tôi phải gọi điện cho đồng chí Trung, Chỉ huy trưởng Quân sự xã để hướng dẫn cho ông Hoa làm lại tại địa phương. Thế nhưng, làm đi làm lại mấy lần vẫn không đúng, thật sự chúng tôi đã hướng dẫn công dân rất tận tình, nhưng hướng dẫn mãi mà vẫn không được”.
Còn Trung tá Lê Đức Kỳ lại cho rằng: “Chuyện này có gì to tát đâu, hàng ngày, tôi phải ký hàng nghìn hồ sơ nên không thể tránh khỏi sai sót được. Tuy nhiên, cái sai này là từ xã, xã đưa lên thì tôi ký, tôi làm sao biết được cả huyện này ai còn sống, ai đã chết. Tôi sẽ chỉ đạo anh em xuống tận nhà làm lại ngay trường hợp này”.
Ngược lại, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Nghĩa Hội Ngô Đức Trung lại thẳng thắn cho biết: “Tôi sống ngay trên quê hương mình thì làm sao nhầm lẫn đang sống thành đã chết được. Thông tin trong hồ sơ của ông Hoa mà xã chuyển lên thì hiện ông đang sống. Vì trên huyện kẹp nhầm giấy báo tử của một ông cũng tên Hoa khác ở xã Nghĩa Lâm nên mới xảy ra cơ sự này”. Điều đáng nói là, sáng 25/4/2015, trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Kỳ khẳng định “sẽ làm ngay” nhưng đến ngày 5/5/2015, ông Hoa vẫn chưa thấy ai… động đến mình.
Lời kết
Việc chi trả trợ cấp cho các đối tượng là việc làm nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng sau chiến tranh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và quân đội với những người có công, thể hiện chính sách hậu phương quân đội. Nó có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình được hưởng. Vậy mà, đối với riêng ông Hoa, nó lại trở thành “cơn ác mộng” có thật. Việc cần làm bây giờ không phải là truy cứu trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau mà cần nhanh chóng, gấp rút sửa sai để ông Hoa được hưởng chế độ kịp thời. Đồng thời, các ban, ngành, cá nhân liên quan phải trực tiếp đưa ra lời xin lỗi đối với ông Hoa vì những việc làm tắc trách, sai phạm của mình.
Theo Nguyễn Đình Lộc/ Công an Nghệ An online