Cựu cảnh sát mê máy bay mô hình
Cựu cảnh sát mê máy bay mô hình
Hơn bốn năm nay, căn nhà của ông Lê Quý Trọng (thành phố Huế), cựu cán bộ cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế trở thành xưởng sửa chữa hàng loạt máy bay mô hình và là nơi gặp gỡ của những người đam mê môn thể thao này. Hiện ông Trọng là chủ nhiệm CLB trò chơi mô hình Thừa Thiên - Huế (gồm tàu thuyền và máy bay).
Ông Lê Quý Trọng với xưởng sửa chữa máy bay mô hình tại gia đình. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Giới thiệu về mình, ông Trọng chỉ ngắn gọn: “Tôi gốc Huế nhưng sinh ra ở Hà Nội, uống nước Hà Nội nên giờ nói tiếng Hà Nội. 36 năm công tác trong ngành cảnh sát, giờ về nghỉ hưu tôi bắt tay vào chơi máy bay mô hình, chơi và bị mê hoặc bởi tiếng động cơ, những màn nhào lộn trên không trung”.
Và ông đã dành toàn tâm cho thú chơi này. Ngay phòng tiếp khách, trên bộ salon sang trọng được chủ nhân đặt lên những chiếc máy bay mô hình xinh xắn. Khắp căn phòng là lỉnh kỉnh các thiết bị sửa chữa máy bay. Ngoài ra, ông còn dành hẳn một bàn chuyên sửa chữa máy bay ngay cạnh phòng ăn mà theo cách gọi của ông là “phòng kỹ thuật”.
Ông Trọng bảo tài sản của ông bây giờ là 5 máy bay mô hình gắn với những kỷ niệm từ khi ông bắt tay vào thú chơi này. Chỉ tay vào chiếc trực thăng, ông Trọng khoe: “Chiếc này bị tông vào cột điện cao thế. Ngày mang nó về, hầu hết mọi chi tiết đều vỡ vụn. Ngày đêm mày mò, giờ nó đã có thể cất cánh lên không trung so tài rồi”.
Và như một thói quen thường ngày, ông Trọng lại ngồi xuống sàn nhà, ngắm nghía những chiếc máy bay mini mà ông đã và đang dày công nghiên cứu để sửa chữa, chuẩn bị cho những buổi biểu diễn cùng câu lạc bộ. Cầm rơmóc khởi động máy bay, tăng ga cho tiếng động cơ kêu vang khắp nhà, ông cười đắc chí với những tiếng kêu lẹt đẹt.
“Khi còn nhỏ tôi đã thích chơi máy bay, nhiều lần làm máy bay bằng xốp, quấn dây cao su, cắt lon bia làm cánh. Khi làm cảnh sát không có thời gian để chơi nên vài năm trước khi nghỉ hưu, tôi quyết định dành hết thời gian theo đuổi các loại máy bay mô hình. Đó là năm 2007”, ông Trọng kể.
Ban đầu chỉ mày mò tìm mua các loại máy bay, không ít lần ra Bắc, vào Nam để học hỏi kinh nghiệm, dần dà ông tạo lập cả một không gian đầy những loại máy bay to, nhỏ trực thăng, phản lực tại gian phòng riêng của mình.
Ông Trọng (bìa trái) trong lần biểu diễn máy bay mô hình hồi tháng 7 tại vịnh Lăng Cô. Ảnh: Nguyễn Đông. |
Ông Trọng bảo chơi máy bay mô hình phải có đam mê, tỉ mẩn tìm hiểu các nguyên lý, kiến thức cơ động học. Chỉ cần một sơ ý nhỏ, thậm chí lệnh một con ốc vít cũng có thể làm máy bay “cãi lại” người điều khiển. "Lúc đầu, tôi phải gửi ngược vào TP HCM sửa chữa, vừa tốn, vừa mất thời gian. Cực chẳng đã, tôi quyết tự học qua các trang web, sách vở, rồi thành luôn thợ chữa máy bay mô hình”, ông kể.
CLB Hàng không mặt đất Huế nhờ sự góp sức của ông mà thành hình hài, phát triển thành viên. Không ít người bị ông lôi cuốn bởi sự đam mê và cách chơi khoa học, sáng tạo.
"Nói đến chơi mô hình thì từ già đến trẻ, hầu hết ai cũng thích nhưng chơi được thì quả không dễ chút nào. Đơn giản như việc học cài đặt chiếc rơ móc điều khiển máy bay cũng phải mất 3 năm ròng, học điều khiển máy bay trực thăng ít nhất cũng mất 2 năm. Là người hiểu rõ nguyên lý của động cơ nên bác Trọng luôn tận tình giúp đỡ anh em”, anh Nguyễn Hữu Thọ, một thành viên CLB tâm sự.
Nhìn chiếc máy bay vi vu trong không trung, ông Trọng chia sẻ, bay là cảm giác để con người nhìn lên cao, hướng về những điều rộng lớn và cũng là cách giảm stress cho những vất vả đời thường. “Có khi mất cả 2-3 tháng trời để sửa xong một chiếc máy bay mô hình. Đến khi máy bay cất cánh, mọi thứ vất vả công sức đều vỡ òa, cảm giác thật đê mê, ngây ngất. Có khi bay chưa đầy một phút, máy bay tông vào cột điện hay rơi tõm xuống, rồi lại ngậm ngùi mang về sửa chữa”, ông Trọng tâm sự.
Theo VnExpress