Cười giòn trên thủ phủ ớt cay
Ở Bình Định, ngoài những diện tích trồng ớt truyền thống, vụ ĐX 2012-2013, do bị hạn hán uy hiếp, nhiều địa phương đã chuyển đổi mạnh nhiều diện tích trồng lúa sang trồng ớt. Sau 1 thời gian ớt xuống giá, nay giá ớt vụt tăng, những hộ trồng ớt vui không kể xiết.
Trúng đậm
Những địa phương chuyển từ trồng lúa sang ớt mạnh nhất là 2 huyện Phù Mỹ và Phù Cát. Ông Phan Sỹ Hùng, Phó trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Trong vụ ĐX 2012-2013, huyện Phù Cát SX được 253 ha ớt, tăng 163 ha so vụ ĐX năm trước, tập trung tại các xã Cát Tài, Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Hanh. Năng suất ớt năm nay đạt khá, 1 tấn ớt tươi/sào.
Vào thời điểm giá ớt rớt xuống còn 5.000đ/kg nông dân trồng ớt buồn thê thảm. Bây giờ, khi giá ớt tăng đến từ 17.000-22.000đ/kg bán tại ruộng, người trồng ớt vô cùng phấn khởi”.
Ở huyện Phù Mỹ, địa phương có phong trào trồng ớt mạnh nhất tỉnh Bình Định, trong vụ ĐX 2012-2013 diện tích trồng ớt cũng tăng đột biến lên 800 ha, tăng hơn 200 ha so cùng kỳ năm trước. Diện tích trồng ớt càng nhiều, khi giá ớt đứng cao như hiện nay thì niềm vui của người nông dân càng lớn.
Nếu so giá ớt tại thời điểm đầu năm 2013 thì giá ớt hiện nay tăng được từ 6.000-8.000đ/kg; còn nếu so với giá ớt cách đây mấy tháng (tại thời điểm cuối vụ ĐX vừa qua) thì con số chênh lệch tăng từ 12.000-17.000đ/kg.
Ông Phạm Văn Trọng, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Qua khảo sát của chúng tôi, nếu giá ớt đứng ở mức 5.000-6.000đ/kg thì người trồng ớt lỗ nặng, ớt phải đứng ở giá 8.000đ/kg người trồng ớt mới cầm được đồng tiền lãi”.
Hiện nay, giá ớt được thương lái đến tận ruộng mua với giá từ 17.000-22.000đ/kg tùy ớt đẹp xấu, người trồng đang lãi to. Tính bình quân mỗi ha ớt thu được 20.000kg ớt tươi (năng suất 20 tấn ớt tươi/ha), với giá bình quân 20.000đ/kg, người trồng sẽ thu được 400 triệu đồng/ha ớt.
Vui lây dịch vụ ăn theo
Khi ớt tăng giá và được thị trường ăn mạnh trở lại thì ngoài niềm vui của người trồng ớt, từ người hái ớt ngoài ruộng, đến những người nhặt cuống ớt, lựa ớt tại những cơ sở thu mua ớt cũng phấn chấn hẳn lên.
Đi dọc QL1A qua địa bàn huyện Phù Mỹ, nơi được mệnh danh là “thủ phủ ớt" của tỉnh Bình Định, đâu đâu cũng nhìn thấy những cơ sở thu mua ớt đang hoạt động rầm rộ. Tại cơ sở thu mua ớt Điệp ở khu vực Nhà Đá, xã Mỹ Hiệp, chúng tôi gặp hàng chục lao động ở nhiều lứa tuổi đang tất bật với nhiều công việc khác nhau. Người thì lựa ớt, người bỏ ớt vào sọt đưa lên cân, ai ai cũng có thu nhập ổn định mỗi ngày từ 50.000đ đến 100.000đ/ngày/người, tùy tính chất công việc.
“Tui sức phụ nữ yếu ớt không làm nổi việc đưa ớt lên xe nên chỉ nhặt ớt. Công nhặt ớt được trả 500đ/kg, làm suốt ngày mình tui nhặt được gần 2 tạ ớt, cũng kiếm được khoảng 100.000đ. Làm ròng rã mấy tháng nay cũng để dành được tiền triệu gửi cho đứa con đang học đại học ở TP HCM”, chị Phan Thị Liễu, một người dân địa phương tâm sự.
Nhân công trong cơ sở thu mua ớt Điệp không chỉ có thanh niên, phụ nữ mà còn có những cụ già, những cô cậu học trò. Cụ bà Trần Thị Hoa, dù đã trên tuổi thất thập vừa lựa ớt vừa bộc bạch: “Tuổi già ở không cũng buồn chân buồn tay, nên hễ vào mùa ớt là tui làm, cũng được 50.000 - 60.000 đ/ngày, đủ chi dùng lặt vặt, có tiền ăn sáng khỏi phải xin con, xin cháu”.
Còn cháu Nguyễn Kim Hồng, học sinh tiểu học ở xã Mỹ Hiệp, tranh thủ những ngày nghỉ hè cùng chị đi lựa ớt tươi, thổ lộ: “Khi có thời gian rảnh là con đi làm ớt. Tiền công kiếm được con cất để dành mua quần áo, bút, sách để vào năm học mới đỡ phần lo lắng cho ba mẹ”.
Những thanh niên chuyên chạy xe ôm vào mùa thu hoạch cũng chuyển sang vận chuyển ớt. Anh Phạm Tài, chuyên chuyển ớt thu mua từ các nơi về 1 cơ sở thu mua ớt ở xã Mỹ Hiệp, rất hài lòng về công việc đang làm: “Một xe chất đầy ớt thế này, đến mấy tạ, kể cả công bốc lên chuyển xuống, tui được trả 120.000đ.
Vào mùa ớt, ngày nào tui cũng chạy được 2- 3 chuyến, trừ tiền xăng còn kiếm được mấy trăm ngàn đồng. Những ngày hái rộ, ớt nhiều, tui chạy tới 5 chuyến luôn, kiếm cũng được kha khá”.
“Trước tình hình hạn hán ngày càng xảy ra khó lường, trong thời gian tới, ngoài những diện tích đã chuyển đổi, Bình Định sẽ tiếp tục chuyển thêm những diện tích trồng lúa trong những vùng bấp bênh về nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn, trong đó chủ yếu là ngô, đậu phộng và ớt. Nếu giá ớt tiếp tục ổn định như hiện nay thì công tác chuyển đổi sẽ gặp thuận lợi”, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định. |