Cúng ông Công, ông Táo: Hàng mã, cá chép phong phú
Hàng mã bình dân lên ngôi
Năm nay, thị trường hàng mã phục vụ ngày tiễn ông Công ông Táo về chầu trời đã bắt đầu rục rịch từ đầu tháng Chạp. Tuy nhiên, theo đánh giá của những người kinh doanh mặt hàng này ở phố Hàng Mã, Hàng Lược và Lương Văn Can, năm nay lượng người mua ít hơn và chủ yếu tập trung mua hàng giá bình dân.
Từ đầu tháng 12 âm lịch, trên các con phố của thủ đô đã xuất hiện những người gánh đồ ông Công ông Táo đi bán. Những ngày này, lượng người bán hàng rong tăng lên đáng kể, cùng với đó, các cửa hàng bán đồ lễ phục vụ ngày 23 tháng Chạp cũng bày bán đủ mẫu mã đa dạng đồ thần linh và thần bếp.
Theo khảo sát của phóng viên, hàng mã cúng lễ năm nay không có gì mới, vẫn là những bộ quần áo, hài, mũ, cá chép, tiền vàng, ngựa giấy…để tiễn ông Táo về trời.
Giá cả loại hàng hóa này cũng tùy theo mẫu mã, kích cỡ, chất liệu có thể dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn đồng.
Mỗi cặp đồ lễ gồm 1 bộ thần linh và 3 bộ thần bếp. Một bộ “ông Công, ông Táo” gồm 3 mũ, 3 bộ quần áo được làm với cỡ nhỏ, cỡ trung bình và cỡ to.
Những bộ ông Công, ông Táo giá bình dân được người mua lựa chọn nhiều hơn - Ảnh Lao Động |
Bộ cỡ nhỏ làm bằng giấy màu có giá rẻ nhất, chỉ từ 40.000 - 60.000 đồng/bộ. Bộ cỡ trung bình có giá từ 90.000 - 110.000 đồng/bộ và loại to giá từ 140.000-160.000 đồng/bộ. Đắt nhất là loại mã làm bằng giấy màu bóng, có mùi thơm và in hoa văn chìm, giá không dưới 300.000 đồng/bộ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của những người bán hàng mã, năm nay, người dân chủ yếu chọn mua các bộ lễ giá trung bình, có giá 40.000 – 60.000 đồng/bộ, loại bộ giá vài trăm nghìn rất ít người mua, hoặc chỉ là những người đã đặt hàng trước.
Cô Bảo, người bán hàng mã ở Hàng Mã cho biết, từ đầu tháng tới giờ, cô bán chạy nhất là bộ ông Công ông Táo giá vài chục ngàn, loại đắt hơn rất ít người mua. Có người thì mua thêm ngựa giấy hay cá chép, những mặt hàng khác như nhà lầu, xe hơi, tivi thì gần như không bán được.
Chị Loan, bán hàng mã ở phố Hàng Lược chia sẻ: “Bán đã chậm thì chớ, có người còn bảo, mua cá chép cúng là được, chứ mua bộ đồ giấy về đốt không biết các cụ có nhận được không nên họ không mua.”
Hiện tại sức mua còn khá yếu nhưng từ ngày 20 trở đi, những người bán hàng mã hi vọng sức mua sẽ tăng dần lên, bởi theo tín ngưỡng của phần đông người dân, nhiều thứ có thể không mua chứ đồ cúng lễ thì khó có thể tiết kiệm được.
Cá chép được bán sớm
Tại làng Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội) - một địa điểm nổi tiếng với nghề buôn bán cá cảnh, cứ vào dịp 23 tháng Chạp, cả làng lại chuyển sang bán cá chép, cá vàng. Vài ngày trở lại đây, không khí mua bán đã nhộn nhịp hẳn vì các tiểu thương từ khắp nơi đổ về mua cá.
Anh Phúc, chủ một cửa hàng cá cảnh tại làng Phụ cho biết: “Các cửa hàng lớn trong làng đã nhập về hàng tạ cá chép đỏ, sẵn sàng tung ra thị trường Hà Nội cho ngày 23 tháng Chạp sắp tới. Chúng tôi bán chủ yếu cá vàng, cá chép phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô và nhiều địa phương lân cận. Loại cá đắt tiền thì hiếm có gia đình nào nhập, nếu có thì số lượng không đáng kể”.
Thị trường cá chép cúng Táo quân bắt đầu sôi động - Ảnh VOV |
Được biết, trên thị trường cá chép Nhật vàng giá 50.000 – 100.000 đồng/con; cá chép ngũ sắc giá khoảng 20.000- 40.000 đồng/con;… Trong khi đó, cá vàng nhỏ giá chỉ từ 10.000 – 15.000 đồng/con.
Tuy nhiên, năm nay xuất hiện thêm nhiều loại cá mới như: chép ngọc trai có màu óng ánh trên đầu có giá từ 100.00 – 150.000 đồng/đôi. Chép vàng kỳ lân cũng là giống cá mới được nhiều người chú ý vì hình thức, màu sắc đẹp mắt, giá từ 80.000 – 120.000 đồng/đôi. Theo chia sẻ của những hộ buôn cá cảnh, các loại cá này được nhập về từ Trung Quốc, Nhật Bản nên giá thành khá cao.
Anh Dũng, chủ cửa hàng cá cảnh trên phố Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, HN) cho hay: “Năm nay giá cả không có mấy thay đổi. Bộ ba cá chép đỏ giá 30.000 – 50.000 đồng/bộ. Ngoài ra, cửa hàng nhập về nhiều loại cá chép mới ra mắt thị trường như chép vẩy rồng, chép trắng Sài Gòn..., giá dao động 80.000 - 300.000 đồng/cặp. Hiện nay, người dân đã lác đác đi mua cá chép vàng nhưng phải tới giáp ngày mới bán chạy”. Anh Dũng cho biết thêm, người dân thường lựa túi tiền và mua theo thói quen là chính. Bởi vậy, mọi năm cá chép đỏ là loại bán chạy nhất, những loại cá mới chỉ nhập về bán cho vui với số lượng ít.
Trong khi đó, chị Hồng, một tiểu thương buôn cá tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, HN) cho biết: “Thường thì ngày 22, 23 tháng Chạp người dân mới bắt đầu đi mua cá. Những ngày này tôi chỉ bán cho có, để họ thấy mà biết chỗ để mua. Vả lại, cá vàng dễ chết, nên chúng tôi không dám nhập hàng dự trữ”.
Theo đó, giá cả phụ thuộc vào độ to nhỏ, và độ đẹp của từng loại cá. Giá cá chép vàng bán phổ biến là 20.000 – 30.000 đồng/bộ 3 con, cá chép đen 40.000 – 50.000 đồng/bộ, cá chép đỏ vảy trơn giá từ 20.000 – 30.000 đồng/đôi, cá chép hồng vảy cứng giá từ 35.000 – 45.000 đồng/đôi. Đắt nhất là cá chép Nhật vảy bạc có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/đôi.
Chị Hoàn (Nguyễn Khánh Toàn, Ba Đình, HN) đang lựa chọn cho mình cặp cá chép vàng để cúng ông Công, ông Táo cho biết lý do chị chọn mua cá vàng sớm: “Năm ngoái bận công việc, không có thời gian chuẩn bị, mãi chiều 23 tôi mới đi mua cá. Nhưng đi kiếm vài ba chợ mà không có, nếu có thì cá rất bé người mua lại hét tới cả trăm nghìn một cặp. Bởi vậy, năm nay rút kinh nghiệm tôi đi mua sớm, về thả vào bể đến ngày thì dùng”.
Tương tự như trường hợp chị Hoàn, chị Nga (Cầu Giấy, HN) cho hay: “Chỉ còn vài ba ngày nữa là tới dịp cúng ông Công, ông Táo rồi. Hôm nay tôi đi chợ thấy người ta bán nên mua luôn. Như cặp cá này vừa to, đều, đẹp mà giá chỉ 35.000 đồng. Mua bây giờ tuy hơi sớm nhưng nhà có bể nên không sợ cá chết. Nếu đợi giáp ngày như năm ngoái mới mua có khi phải lại cúng cá vàng mã”.
Nguồn: Lao Động & Giáo Dục