Cục Tài chính DN: May mà chỉ bán 9% cổ phần của Vinamilk!
Lý giải vì sao có tới 40% cổ phần của CTCP Sữa Việt Nam Vinamilk (mã CK: VNM) bán ra bị “ế”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho hay, tuy kế hoạch bán vốn của Vinamilk đã được xây dựng từ cuối năm 2015, song đến tận tháng 9/2016, kế hoạch này mới được duyệt và đến tháng 12/2016 này đã tổ chức bán.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) |
“Là thương vụ lớn song thời gian thực hiện việc bán vốn quá gấp. Trong khi đó, tháng 12 là thời điểm cuối năm nên hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đã có kế hoạch nghỉ Tết. Chính vì vậy, việc đầu tư và giao dịch vào thời điểm này nhà đầu tư ít quan tâm hơn”, ông Tiến nói.
Cũng theo ông Đặng Quyết Tiến, cũng may Vinamilk mới chỉ bán 9%, nếu “tung” ra nhiều hơn có thể sẽ “vỡ trận” ngay.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu ở mức cao hơn so với giá thị trường. Nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, mức giá này không phải là cao, nhưng vì thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhỏ, giao dịch tăng, giảm thất thường, do đó, chỉ cần thị trường có một vài biến động nhỏ thì giá cả cũng bị tác động.
“Đây là mức giá tốt nên chúng ta phải đưa ra mức giá đưa đảm bảo hợp lý. Nếu đưa ra mức giá thấp thì nhà đầu tư sẽ đánh giá thấp”, ông Tiến nói thêm.
Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng, với thương vụ này, chúng ta cũng sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm lớn cho những thương vụ thoái vốn lớn sắp tới của các công ty lớn trong thời gian tới đặc biệt trong khâu tuyên truyền trước, trong và sau quá trình bán.
“Nếu không chú trọng vào khâu tuyên truyền, tác động đến thị trường gây biến động thì kế hoạch có thể “vỡ trận”. Vinamilk sẽ là bài học đầu tiên để sau này rút kinh nghiệm cho các thương vụ lớn như Habeco, Sabeco…” ông Tiến thẳng thắn chia sẻ.
Trước đó, ngay sau khi có kết quả từ phiên đấu giá bán 9%/vốn điều lệ cổ phần nhà nước tại VNM với kết quả ế 40%, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã lên tiếng chỉ ra nguyên nhân khiến cho cổ phiếu này bị ế.
Theo đó, VAFI cho rằng, mức giá khởi điểm 144.000 đồng/cổ phiếu của VNM là cao hơn giá thị trường khoảng 7%. Trong khi quy mô của nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế còn nhỏ bé, và việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn rất khiêm tốn.
Hơn nữa, thương vụ của VNM “tung” ra vào thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn một số nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn để tái cơ cấu danh mục đầu tư.
Theo VAFI, nếu thoái vốn nhà nước tại Vinamilk theo giá thị trường, thị trường không thể hấp thụ được lượng cung khổng lồ là 4 tỷ USD từ việc bán toàn bộ cổ phần VNM. Để số cổ phần nhà nước 40%/vốn điều lệ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, VAFI kiến nghị với Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) không trình Chính phủ phương án bán nốt 3,6%.
Nếu tổ chức bán lẻ thì ngân sách nhà nước sẽ thất thu và việc bán cổ phần sẽ trở nên rất khó khăn hoặc không bán được.