Cửa ngõ Tân Sơn Nhất ùn tắc nghiêm trọng: Vì sao cầu vượt 240 tỷ đồng vô dụng?
Ám ảnh ùn tắc hàng tiếng đồng hồ tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất
Từ lâu cửa ngõ Tân Sơn Nhất trên tuyến đường Trường Sơn (Q.Tân Bình) được xem là điểm nóng về kẹt xe.
Ngoài nguyên nhân lượng khách đi máy bay tăng đột biến, thì đường Trường Sơn được xem là con đường độc đạo kết nối phía đông các quận Thủ Đức, Gò Vấp (từ đường Phạm Văn Đồng tới vòng xoay Nguyễn Thái Sơn qua đường Bạch Đằng, đổ về đường Trường Sơn) để tới quận Tân Bình và vào trung tâm TP theo đường Nguyễn Văn Trỗi.
Với tổng mức đầu tư 240 tỷ đồng, cầu vượt thép hình chữ Y được đưa vào sử dụng nhằm giải quyết điểm nóng ùn tắc tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất.
Nhưng thực tế, cầu cây thép này chỉ đáp ứng lượng khách nhỏ đi từ đường Trường Sơn rẽ vào ga quốc nội và ga quốc tế. Còn dưới lòng gầm cầu vượt, hàng ngàn phương tiện vẫn nối đuôi nhau, nhích từng tí một.
Cầu vượt thép hình chữ Y với tổng mức đầu 240 tỷ đồng khi mới đưa vào sử dụng vào ngày 4/7 trông rất thoáng. Thế nhưng chỉ 1 thời gian ngắn, nơi đây đã xảy ra 3 lần ùn ứ nghiêm trọng, hàng ngàn phương tiện chôn chân tại đây nhiều giờ liền. |
Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần qua, khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất liên tiếp xảy ra 3 lần ùn tắc nghiêm trọng, kéo hàng giờ đồng hồ.
Cụ thể, gần đây nhất vào sáng 28/7, hàng ngàn phương tiện từ các đường xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất như Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Hồng Hà, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ đều đổ về đường Trường Sơn gây nên cảnh ùn tắc cục bộ.
Chưa hết, dưới gầm cầu vượt hình chữ Y tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất, hàng trăm ô tô từ ga quốc nội và ga quốc tế dồn ra hướng Lăng Cha Cả càng khiến giao thông hổn loạn hơn.
Trong khi đó, chiều ngược lại cũng chịu chung số phận. Hàng nghìn ô tô và xe máy phải xếp thành hàng, chôn chân kéo dài 2 km tại các tuyến đường đổ về đường Trường Sơn.
Tình hình kẹt xe tại cửa ngõ Tân Sơn Nhất vào 20/7 vừa qua |
Việc ùn ứ kéo dài nhiều giờ liền, nhiều hành khách phải xuống ôtô, xách hành lý chạy bộ vào sân bay cho kịp giờ làm thủ tục, dù cách cổng sân bay chưa tới một cây số, đi bộ chỉ hết 15-20 phút.
Kẹt xe hàng giờ liền, người dân phải xuống xe chạy bộ sân bay cho kịp giờ làm thủ tục |
Một người dân sống tại khu vực Tân Sơn Nhất cho biết: “Cảnh kẹt xe vẫn tái diễn hằng ngày. Ngày nào kẹt nhanh thì chừng 15 – 20 phút, còn kẹt lâu thì cả mấy tiếng đồng hồ. Có cầu vượt rồi nhưng mà chẳng giảm kẹt xe là mấy”.
Trước đó, vào ngày 20/7, kẹt xe cũng xảy ra từ 8h đến 12h trưa và ngày 27/7, kẹt xe từ 16h30 đến 18 giờ chiều.
Đừng đổ nhiều tiền làm các dự án mang tính “giải cứu”
Điều đáng nói, trong khi phía dưới kẹt xe nghiêm trọng thì phía trên cầu vượt Trường Sơn (vào sân bay) xe cộ rất thưa thớt. Thực tế trên khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của cầu vượt trị giá 240 tỷ đồng này.
Qua 3 lần ùn tắc nghiêm trọng, cho thấy trên cầu vượt thép rất thoáng, trong khi dưới lòng đường hàng ngàn phương tiện nhích từng chút một |
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh: Cầu vượt chữ Y trên đường Trường Sơn chỉ giải quyết cho xe ô tô vào sân bay, còn các hướng khác vẫn như cũ. Do đó, hướng từ sân bay ra Trường Sơn về Lăng Cha Cả vẫn còn xung đột với dòng xe từ Phạm Văn Đồng qua Bạch Đằng đổ dồn về đây”.
Thực tế cho thấy, đường Trường Sơn đang quá tải, khi các hướng đều “mượn” con đường này để “quá cảnh”. Do đó, việc có cầu thép chỉ giải quyết vấn đề vào sân bay, còn những tồn tại khác, đường Trường Sơn vẫn đang “chịu trận”.
Theo ông Sanh, cơ quan chức năng phải tính toán khoa học chứ không phải đổ nhiều tiền vào làm các dự án cấp bách mang tính “giải cứu”.
Đường Trường Sơn luôn quá tải khi phương tiện lưu thông các tuyến đường quanh khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất đều "mượn" đường này để "quá cảnh" |
TS Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TPHCM cho rằng: “Lượng xe từ đường Trường Sơn vào sân bay giờ cao điểm cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng lượng xe lưu thông trên đường này.
Trong khi đó, lượng phương tiện từ Phạm Văn Đồng mượn đường Trường Sơn để đi quận Bình Tân và hướng ngược lại rất đông. Vì vậy, cầu vượt không giải quyết được kẹt xe là chuyện bình thường”.
Nên chăng, cần phải có một cuộc khảo sát, tính toán lại lưu lượng giao thông qua khu vực sân bay để đưa ra giải pháp phù hợp.
Nhiều chuyên gia cũng đề xuất giải pháp, trong đó giải pháp trước mắt là tổ chức lại giao thông khu vực sân bay.
Theo đó, cần có phương án điều hướng, hạn chế phương tiện lưu thông các tuyến đường quanh khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất như Phạm Văn Đồng, Bạch Đằng, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi...dồn về đường Trường Sơn.