Cứ mở mắt ra là thấy lỗ
Giá gà hiện đang rất rẻ nhưng không bán ra được. Ảnh TN |
Gà thịt rẻ như rau vẫn ế
Theo nhiều hộ nông dân tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, bình quân giá gà thịt từ đầu năm 2013 đến nay là 18.000 đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với năm 2012. Đặc biệt, tính đến ngày 22/5/2013, giá gà trắng chỉ còn ở mức 14.000 đồng/kg, giá mua là 28.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, theo ông Sáu, một nông dân nuôi gà tại đây cho biết: “Dù giá rẻ như vậy nhưng các trang trại vẫn khó bán vì sức mua xuống quá thấp. Một số công ty kí hợp đồng bao tiêu cho nông dân nay cũng thông báo người dân tự tìm nơi tiêu thụ, bởi họ không thể bán hết số gà ngày càng dư thừa”.
Thống kê mới nhất của Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, hiện các tỉnh miền Đông Nam Bộ đang có khoảng 1.500 trại với vốn đầu tư 2 tỉ đồng/trại. Song, khu vực này đang tồn hơn 1 triệu con gà, trung bình mỗi con nặng từ 3,5 – 4kg, tương đương khoảng 3.600 tấn. Nguyên nhân là do thông tin dịch cúm H7N9 mới chỉ xảy ra ở Trung Quốc nhưng cũng khiến ngành chăn nuôi gà Việt Nam điêu đứng. Sức mua yếu trong khi giá bản lẻ thịt gà ra ngoài thị trường lại ở mức cao vô lý so với giá bán tại trại.
Không chỉ nông dân mà kể cả chủ trang trại, doanh nghiệp nuôi gà cũng đang “nóng như lửa đốt” khi xuất hiện thêm đối thủ cạnh tranh đến từ nước ngoài. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước tiết lộ: “Đó là một công ty của Hàn Quốc, họ sẽ đổ bộ vào Việt Nam trong tháng 9 tới, dự định mỗi tháng sẽ cung cấp cho thị trường 1,2 triệu con. Đây là một con số khổng lồ, trong khi gà trong nước không bán được thì không biết sự có mặt của những công ty này sẽ đưa ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam về đâu?”.
Nuôi lợn: Cứ mở mắt ra là thấy lỗ
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết, chưa khi nào giá các sản phẩm thịt lợn lại giảm sâu và giảm lâu như thời điểm này. Sau khi giá thịt lợn hơi đạt đỉnh với mức trên 70.000 đồng/kg vào giữa tháng 5 đến tháng 8/2011, thì đến đầu năm 2012, giá lại giảm sâu và tăng chút đỉnh vào Tết Nguyên Đán 2013. Và cho đến hiện tại, giá không hề nhúc nhích lên một chút nào, thậm chí ngày càng suy giảm.
Không chỉ khó khăn về giá mà đáng buồn hơn do phụ thuộc quá nhiều vào thức ăn chăn nuôi nhập khẩu cũng là một trong những lý do quan trọng dẫn đến ngành chăn nuôi có lợi nhuận không cao. Thậm chí, có nhiều thời điểm bị lỗ nặng, cứ mở mắt ra là thấy lỗ.
Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, khó khăn từ nhiều phía đang “bóp nghẹt” người nông dân, khiến họ phải rầm rộ rao bán chuồng trại. Còn các doanh nghiệp, trang trại lớn có vốn đầu tư nước ngoài như C.P, Japfa, Emivest đều chủ động thu hẹp sản xuất. Trong đó, C.P đã giảm 50% đàn gà công nghiệp, không phát triển đàn heo, ngưng hoạt động các trại không hiệu quả.
Ông Công cho biết thêm, nếu việc giải cứu đến chậm chắc chắn sẽ dẫn đến việc đổ vỡ dây chuyền toàn ngành chăn nuôi. Vấn đề nằm ở chỗ, ngoài giá bán đang quá bất lợi, người chăn nuôi hiện còn rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng do vướng thủ tục thế chấp. Cá biệt một số hộ tiếp cận được thì vốn cũng rất hạn chế, không còn sức chống đỡ, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc bỏ nghề.
Vì vậy, để “cấp cứu” ngành chăn nuôi, ông Công cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên cùng ngồi lại, xem xét khoanh và giãn nợ cho các hộ chăn nuôi. Đồng thời tiếp tục có chính sách linh hoạt cho vay vốn để duy trì sản xuất. Ngoài ra, việc đánh thuế VAT 5% trên thức ăn chăn nuôi hiện nay không còn phù hợp vì không có nước nào áp dụng, khiến giá thức ăn chăn nuôi của nước ta vốn cao lại càng thêm ngất ngưởng, hơn các nước từ 10 - 15%.