Cú bứt phá của nữ sinh Bách khoa từng hụt hẫng vì trượt nguyện vọng 1
Đặng Thị Thanh Thủy (sinh năm 2001, quê Thái Bình), là sinh viên ngành Công nghệ sản phẩm may, Trường Vật liệu, ĐH Bách khoa Hà Nội. Đầu tháng 1 vừa qua, Thủy là một trong 3 sinh viên của ĐH Bách khoa Hà Nội đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Để có được thành tích này, sinh viên phải rèn luyện ở 5 tiêu chí gồm: Đạo đức tốt - Học tập tốt - Thể lực tốt - Tình nguyện tốt - Hội nhập tốt.
Với mức điểm trung bình trong các kỳ xét đạt 3.84, có bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín được Hội đồng giáo sư nhà nước công nhận cùng hàng loạt danh hiệu, giấy khen trong các cuộc thi, phong trào, Thủy trở thành 1 trong 74 sinh viên trên cả nước đạt danh hiệu này.
“Đây là điều em chưa từng nghĩ tới trước đó. ĐH Bách khoa Hà Nội chính là bệ phóng tạo ra những thay đổi trong em, để em có thể tâm huyết và sống trọn với quãng thời gian sinh viên”, Thủy nói.
Ít ai biết trước đó, Thanh Thủy từng trượt nguyện vọng 1 vào ngành Kinh tế. Buồn bã, hụt hẫng, không ít lần nữ sinh có ý định ôn thi lại.
Vốn là người năng nổ trong các hoạt động trường lớp, khi chọn đại học, Thủy không mất quá nhiều thời gian để đưa ra quyết định sẽ thi vào một trường kinh tế top đầu. “Em nghĩ khối ngành Kinh tế năng động sẽ phù hợp với tính cách của mình. Hơn nữa, cơ hội nghề nghiệp trong khối ngành này cũng sẽ rất rộng mở”.
Nhưng trong mùa tuyển sinh năm 2019, Thủy thiếu hơn 1 điểm để đỗ vào ngôi trường này. Nữ sinh sau đó trúng tuyển vào ngành Công nghệ sản phẩm may của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Hụt hẫng vì không đỗ vào ngành học yêu thích, Thủy càng “sốc” hơn khi không thể bắt nhịp trong quãng thời gian đầu học tại Bách khoa.
“Em “ngợp” vì hầu hết các môn đại cương đều rất nặng và khó. Trong khi thầy cô giảng nhanh tới mức em chưa kịp hiểu công thức này, thầy đã viết kín bảng hàng loạt kiến thức khác”.
Thủy từng nghĩ mình sẽ không thể nào “hòa nhập” được với guồng học của Bách khoa. Chính anh chị Thủy – những cựu sinh viên của trường - cũng từng khuyên em nên thi lại vào trường Kinh tế cho “nhẹ nhàng”.
“Nhưng khi chưa cố hết sức đã quyết định bỏ, em không đành. Em dự định sẽ cố gắng học hết năm Nhất xem sao”, Thủy nhớ lại.
May mắn thời điểm ấy, Thủy có một nhóm bạn chơi thân luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ. Thay vì “gấp sách lại” khi gặp những kiến thức khó, Thủy chủ động tương tác với thầy cô, bạn bè và các anh chị khóa trên để được giải đáp những điều băn khoăn.
Thủy cũng tham gia vào Ban cán sự năm nhất thuộc Đoàn thanh niên và Hội sinh viên – một tổ chức đặc thù dành cho các bạn tân sinh viên. Tại đây, Thủy gặp rất nhiều anh chị hoạt động ngoại khóa giỏi, có thành tích học tập xuất sắc. Nữ sinh được chia sẻ phương pháp học tập từng môn, cách lựa chọn tài liệu ôn tập…
Theo Thủy, để học tốt ở Bách khoa, ngoài việc bám theo các bài giảng trên lớp, học từ bạn bè và những người giỏi xung quanh cũng là bí quyết giúp bản thân có thể tiến lên.
Sau 1 năm, Thủy nhận ra nhiều điều tại ĐH Bách khoa khác với những gì mình suy nghĩ trước đây. “Khi tập trung, em thấy học ở Bách khoa không khó như mình nghĩ. Trường cũng có rất nhiều hoạt động, câu lạc bộ giúp em có cơ hội phát triển bản thân”.
Hết năm nhất, Thủy chuyển về hoạt động tại Ban Nghiên cứu khoa học và Hướng nghiệp thuộc Đoàn ĐH Bách khoa Hà Nội, đồng thời là Liên chi Hội Phó sinh viên Viện Dệt May – Da giầy và Thời trang. Nữ sinh cũng giữ điểm tổng kết ở mức Giỏi, nhiều lần giành được học bổng loại A của trường.
Ngoài việc học, Thủy còn tham gia các cuộc thi Olympic Tiếng Anh học sinh sinh viên toàn quốc, cuộc thi về thuyết trình. Năm 2022, khi đang học năm 3, Thủy là đồng tác giả của một bài báo khoa học đăng trên Tạp chí Hóa học Ứng dụng.
PGS.TS Phan Thanh Thảo, Trưởng khoa Dệt May – Da giầy và Thời trang, đánh giá Thủy là người thông minh, có tinh thần ham học hỏi. “Thủy luôn giữ kết quả học tập ở mức cao, đồng thời rất nhiệt tình tham gia công tác đoàn và hoạt động tình nguyện. Thủy là điển hình cho thế hệ sinh viên vừa hồng lại vừa chuyên”, cô Thảo nói.
Nhìn lại chặng đường học tập tại ĐH Bách khoa Hà Nội, Thủy cảm thấy việc trượt nguyện vọng 1 đôi khi không phải là điều tồi tệ. “Ở Bách khoa, em được là chính mình và bộc lộ hết khả năng, cá tính của bản thân”, Thủy nói.
Lựa chọn Công nghệ sản phẩm may, Thủy cho biết đây cũng là ngành có cơ hội việc làm rộng mở, đặc biệt là ở những tỉnh thành có trụ sở của các doanh nghiệp may mặc như Thái Bình, Nam Định...
“Khi lựa chọn ngành này, nhiều người nói với em rằng sau này chỉ về làm công nhân may mặc thôi. Nhưng thực tế từ năm thứ 2, chúng em được tìm hiểu về quy trình sản xuất may, các kỹ thuật, công nghệ may và dây chuyền sản xuất hàng loạt để tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh”, Thủy nói.
Thời điểm chưa tốt nghiệp, Thủy cũng nhận được lời mời về làm việc tại một số công ty may mặc. Dù vậy, nữ sinh cho biết sẽ có định hướng học lên thạc sĩ để mở rộng thêm cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.