CSGT giơ chân bật nhảy khiến người vi phạm ngã là hình ảnh không đẹp với dân
Đó là ý kiến của thượng tá Lê Đức Đoàn – Nguyên Tổ trưởng Đội CSGT số 1 - Công dân ưu tú của Thủ đô khi được hỏi về việc chiến sĩ CSGT Đội số 3 – Phòng CSGT đường sắt – đường bộ Công an TP Hà Nội giơ chân bật nhảy, khiến người tham gia giao thông ngã xuống đường đang làm dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau.
![]() |
Thượng tá Lê Đức Đoàn - Nguyên tổ Trưởng Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT đường sắt - đường bộ Công an TP Hà Nội trao đổi với PV Infonet. |
Thượng tá Lê Đức Đoàn tâm sự: “Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông cũng như người CSGT thực thi công vụ phải có văn hóa giao thông. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông chỉ mới phạm lỗi thôi có phải tội phạm đâu mà lại chạy ngược chiều như thế.
CSGT không nên giơ chân bật nhảy hay co chân đạp ngã xe hai thanh niên mà nên chọn cách xử lý an toàn hơn cho chính chiến sĩ CSGT, người vi phạm và cả những người tham gia giao thông trên đường.
Việc nam thanh niên điều khiển xe máy, chở theo một người con gái phía sau không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều tốc độ cao chẳng những vi phạm luật giao thông mà còn có khả năng gây nguy hiểm cho người khác và bản thân.
Những tình huống bất khả kháng như vậy, buộc các chiến sĩ CSGT phải có biện pháp ngăn chặn. Tuy nhiên, việc chiến sĩ CSGT Đội số 3 giơ chân bật nhảy hướng chân về phía xe người vi phạm là điều không nên và tạo ra hình ảnh không đẹp trong dân đối với CSGT.
Với trường hợp nam thanh niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông chạy ngược chiều với tốc độ cao, nếu không có CSGT kịp thời can thiệp có thể xảy ra các tính huống khác. Thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông khác và đặc biệt là tính mạng của chính người đó và người ngồi sau thì sao”.
![]() |
Người mang sắc phục CSGT tung chân bật nhảy hướng chân về phía người vi phạm giao thông (ảnh cắt từ clip). |
Tuy nhiên, thượng tá Đoàn cũng phân tích: “Rất nhiều trường hợp các chiến sĩ CSGT đã bị người tham gia giao thông đâm vào làm gãy chân, bị thương, thậm chí tử vong… cũng vì ngăn chặn các phương tiện tham gia giao thông, gây nguy hiểm cho người khác.
Còn trường hợp chiến sĩ CSGT Đội số 3 giơ chân bật nhảy là thiếu kinh nghiệm và không nên làm như vậy. Tuy nhiên, mọi người cũng có thể hiểu cho chiến sĩ CSGT Đội số 3 là nhảy theo phản xạ. Chẳng hạn có ai đó giơ gạy đánh mình thì theo phản ứng là giơ tay gạt”.
Đánh giá về việc chiến sĩ CSGT Đội số 3 giơ chân bật nhảy, khiến người vi phạm ngã xuống đường, thượng tá Đoàn thẳng thắn phân tích: “Cơ quan công an là đơn vị cấp biển số xe, giấy tờ xe… thì với trường hợp này, chiến sĩ CSGT đó có thể nghi lại biển số xe và tiến hành phạt nguội được.
Việc chiến sĩ CSGT Đội số 3 chạy ra ngăn chặn nam thanh niên điều khiển xe máy chạy ngược chiều là rất nguy hiểm cho đồng chí ấy và việc bật nhảy khiến người vi phạm ngã là điều không nên. Chiến sĩ CSGT cũng như người tham gia giao thông, không ai có cái quyền làm cho người khác bị thương và tử vong cả.
Chính vì vậy, người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của CSGT, để tránh nguy hiểm đến tính mạng của ban thân và người khác. Người tham gia giao thông chấp hành đúng quy định, khi tham gia giao thông thì tôi tin không có chuyện gì xảy ra cả. Còn người CSGT muốn xử lý những trường hợp vi phạm giao thông thì phải có tính giáo dục cao, xử lý đúng người, đúng luật.
Trường hợp đi ngược chiều với tốc độ nhanh như vậy, về nguyên tắc người CSGT dừng xe phải đảm bảo cho tính mạng, tài sản chủ phương tiện. Còn người vi phạm chỉ nhận phạt chứ đâu phải tội phạm đâu mà sợ. Tôi không hiểu sao nam thanh niên đó đèo một người phụ nữ phía sau lại chạy như vậy?”.
"Bản thân mỗi CSGT khi bắt lỗi người vi phạm phải dùng cách nào đó để không gây nguy hiểm cho người dân. Bên cạnh đó, những người vi phạm cũng phải chấp hành và cần được tuyên truyền, nâng cao ý thức. Nếu đã vi phạm nên tuân thủ lệnh cảnh sát, nên có văn hóa ứng xử chứ ai lại chạy ngược chiều như thế", thượng tá Đoàn tâm sự.
Theo thượng tá Đoàn, người tham gia giao thông nên chia sẻ với lực lượng CSGT khi đang thực thi nhiệm vụ, với tính chất đặc thù như địa bàn của Thủ đô, nếu không có CSGT thì chắc chắn thường xuyên xảy ra tắc đường. Người tham gia giao thông luôn đi theo kiểu “mạnh thắng, yếu thua” tức là mạnh ai người ấy đi. Kiểu đi như vậy, không chỉ gây nguy hiểm cho người khác mà còn gây hại cho chính bản thân mình.