Công ty đang hưởng lớn từ Honda, Toyota sẽ thoái vốn mạnh năm 2019
Thành công kép của Honda
Theo công bố của Honda Việt Nam, sản lượng tiêu thụ xe hơi của Honda năm 2018 tại thị trường Việt Nam tăng mạnh, đạt 27.099 chiếc, tăng mạnh so với 12.134 chiếc trong năm 2017.
Tiêu thụ xe hơi của Honda tại Việt Nam tăng mạnh chủ yếu nhờ tiêu thụ xe CBU tăng mạnh lên 16.428 chiếc từ chỉ 1.698 chiếc vào năm 2017. Trong khi đó, tiêu thụ xe CKD tăng khoảng 4% lên 10.851 chiếc.
Nhờ đó, thị phần xe hơi của Honda tại Việt Nam cũng tăng mạnh lên 9,8% từ 4,8% trong năm 2017.
Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận ở mảng ô tô giảm nhẹ do đóng góp của xe CBU tăng và dòng xe này thường có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với xe CKD.
Nhờ sản lượng tiêu thụ mạnh, doanh thu thuần năm 2018 của Honda tại Việt Nam ước đạt 107,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 25,8%.
Không chỉ thành công đối với xe ô tô, sản phẩm xe máy của Honda cũng đạt thành công đáng kinh ngạc với 2,57 triệu chiếc xe máy đến tay người Việt trong năm vừa qua, tăng 10% so với năm 2017.
Thị trường xe máy tưởng chừng như đã bão hòa nhưng năm 2018 lại là năm thành công nhất của Honda kể từ khi đặt chân vào Việt Nam.
Hiện tại, thị phần xe máy của Honda tại Việt Nam đạt 77% thị phần, tăng từ 71,5% năm 2017. Trong đó, xe tay ga chiếm 68% sản lượng tiêu thụ (năm 2017 là 58%). Trong khi đó, dòng xe số đóng góp khoảng 32% doanh thu thuần, giảm so với tỷ trọng 42% trong năm 2017.
Khách thăm quan tại Vietnam Motor Show 2018. Ảnh Toyota Việt Nam. |
Đối thủ của Honda trên thị trường xe hơi là Toyota cũng có một năm ăn nên làm ra với lợi nhuận tăng trưởng 25,1%.
Trong năm 2018, sản lượng tiêu thụ xe Toyota tại Việt Nam đạt 66.444 xe, tăng 10,2%, gồm tiêu thụ xe CKD đạt 51.832 chiếc (tăng 23,5%), chiếm 78% tổng sản lượng tiêu thụ. Trái lại, sản lượng xe CBU giảm 20,3% và đạt 16.509 chiếc, chiếm 22% sản lượng tiêu thụ.
Trong năm 2018, thị phần của Toyota tăng nhẹ so với năm trước, từ 23,6% lên 24%.
Do những quy định nghiêm ngặt hơn đối với nhập khẩu xe ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 01/01/2018), sản lượng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2018 của Toyota giảm mạnh.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Toyota phục hồi mạnh trong 4 tháng cuối năm, giúp Toyota giành lại thị phần đã mất trong nửa đầu năm.
Trái lại, Ford đã có một năm đầy khó khăn tại thị trường Việt Nam với thị phần suy giảm trong năm 2018. Cụ thể, doanh số bán ra đạt 24.636 chiếc, giảm 13,8% so với năm 2017. Theo đó, thị phần xe hơi của Ford đã giảm xuống 8,9% từ 11,4% của năm 2017.
Trong đó, sản lượng xe CKD và CBU tiêu thụ lần lượt đạt 13.691 chiếc (tăng 14,9%) và 11.647 chiếc (giảm mạnh 33,1%).
Mặc dù sản lượng và thị phần giảm đáng kể, nhưng cơ cấu sản phẩm tốt hơn cùng với đóng góp tốt hơn từ xe CKD đã giúp Ford bảo toàn lợi nhuận.
VEAM ung dung ngồi thu lời
Bức tranh tiêu thụ xe ô tô của Việt Nam trong năm qua có thể nói là khá sáng sủa với doanh số chung toàn thị trường đạt 276.817 chiếc, tăng 10% so với năm trước. Trong đó, tiêu thụ xe du lịch tăng 30,7%, đạt 192.084 chiếc.
Tuy nhiên, tiêu thụ xe thương mại giảm 15,5% so với cùng kỳ, chỉ đạt 78.946 chiếc với mức giảm 15,4% đối với xe tải và giảm 16,3% đối với xe buýt.
Hiện tỷ lệ sở hữu xe ô tô của người Việt là 23 xe/1.000 người dân, trong khi tỷ lệ này tại Indonesia là 55 xe/1.000 người; Thái Lan là 196 xe/1.000 người; và Malaysia là 341 xe/1.000 người.
Một gian hàng của Toyota tại Vietnam Motor Show 2018. Ảnh: Toyota Việt Nam. |
Trong khi các hãng xe ngoại ăn ra làm nên tại thị trường Việt Nam, một doanh nghiệp Việt cũng được hưởng lợi từ điều này, đó là Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC), lợi nhuận sau thuế năm 2018 của Honda Việt Nam đạt 17.455 tỷ đồng (tăng trưởng 16,5%). Với việc nắm giữ 30% cổ phần tại Honda Việt Nam, phần lợi nhuận được nhập vào kết quả kinh doanh hợp nhất của VEAM là 5.324 tỷ đồng.
Với Toyota Việt Nam, HSC ước tính doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 lần lượt đạt 35.898 tỷ đồng (tăng 10%) và 4.203 tỷ đồng (tăng 25,1%). Do đó, với tỷ lệ nắm giữ 25% cổ phần của VEAM tại Toyota Việt Nam, lợi nhuận phân phối cho VEAM là 841 tỷ đồng.
Với Ford Việt Nam, HSC ước tính lợi nhuận sau thuế của hãng xe này chỉ đạt 990 tỷ đồng (giảm 10%). Theo đó, với 25% cổ phần tại Ford Việt Nam, lợi nhuận phân phối cho VEA là 248 tỷ đồng.
Cùng với các mảng kinh doanh khác (xe tải Hyundai, Maz và máy nông nghiệp), doanh thu ước tính năm 2018 của VEAM là 7.219 tỷ đồng (tăng 10%) và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 6.303 tỷ đồng (tăng 25%).
Hiện tại cổ đông nhà nước (Bộ Công thương) vẫn nắm giữ 88,47% cổ phần tại VEAM. Dự kiến nhà nước sẽ bán 52,47% cổ phần tại VEAM, tương đương 709 triệu cổ phiếu, để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 36% trong năm 2019. Ngay sau khi thoái vốn nhà nước, VEAM sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE.