Công nhân Công ty Thiết bị giáo dục 1 đình công đòi lương
Công nhân Công ty Thiết bị giáo dục 1 đình công đòi lương
Ngay từ đầu giờ sáng, khoảng 20 công nhân đã kéo nhau đến trụ sở công ty đòi gặp ban lãnh đạo để đòi quyền lợi của mình. Tuy nhiên, theo anh Phạm Ngũ Hiệp, đại diện người lao động cho biết, lãnh đạo công ty đã không tiếp, vì vậy nhóm công nhân này tiếp tục tập trung trước cổng công ty để lãn công, chờ gặp bằng được lãnh đạo Công ty.
Người lao động tập trung trươc cổng Công ty CP Thiết bị giáo dục 1 sáng 18/5. |
Theo đơn trình bày gửi lãnh đạo công ty và cơ quan báo chí, nhóm công nhân này cho biết, kể từ 9/2011 đến nay, họ mới nhận được 30% lương của tháng 10, 11,12/2011 và tháng 1/2012. Còn các khoản tiền thưởng và trợ cấp cho cán bộ công nhân viên, cụ thể là tiền Tết âm lịch (2012), tiền nghỉ lễ 30/4 và 1/5, không thẻ bảo hiểm y tế... không được hưởng, khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Chị Đỗ Thị L, công nhân đã làm việc 16 năm tại công ty cho biết, kể từ 9/2011 đến nay chị chưa hề nhận được một đồng lương nào, khiến đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Khi thắc mắc với lãnh đạo công ty thì chỉ nhận được câu trả lời là chưa có tiền, mà không có một lời giải thích rõ ràng là khi nào sẽ trả lương.
Anh Phạm Ngũ Hiệp, đại diện người lao động cho biết, kể từ tháng 9/2011 đến nay, họ không nhận được lương và tiền thưởng theo quy định. |
Cũng theo chị L, ngày 16/4 công ty đã tự ý cho dán bảng thông báo danh sách những người sẽ chấm dứt hợp đồng (70 người) và những người phải nghỉ việc tạm thời (54 người) nhưng chưa có sự thỏa thuận hay quyết định nào giữa công ty và người lao động.
"Chúng tôi là những người lao động làm việc hơn chục năm nay, có người đã làm việc đến 30 năm, không hề mắc khuyết điểm hay kỉ luật nào mà bị đuổi việc như thế thì rất bất công. Đành rằng trong bối cảnh khó khăn chung, người lao động cũng phải chia sẻ, nhưng với những gì mà lãnh đạo công ty đang làm thì đã không tôn trọng chúng tôi", chị L nói.
Anh Phạm Ngũ Hiệp, xưởng trưởng xưởng in và thiết bị cho biết, tình trạng khó khăn bắt đầu từ 6/2011, khi công ty thay đổi lãnh đạo mới. Để tồn tại, nhiều người đã phải làm thêm những công việc khác để tồn tại. Ngay bản thân anh Hiệp, anh đã phải chạy thêm xe ôm để có thêm thu nhập, trang trải cho gia đình.
Anh Hiệp đề nghị, lãnh đạo công ty phải trả tiền lương đã nợ, sắp xếp công ăn việc làm cho người lao động. Trước mắt, lãnh đạo công ty phải bố trí buổi đối thoại trực tiếp với người lao động để có những phương án hợp lý.
M.N