Công nghệ thông tin sẽ đưa hình ảnh người luật sư đến gần hơn với người dân
Nghề luật sư không nằm ngoài cách mạng thông tin
Cuộc cách mạng công nghệ thông tin diễn ra làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội trên phạm vi toàn thế giới, các ngành nghề truyền thống phải chuyển mình để đáp ứng được sự thay đổi từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet về tác động của công nghệ thông tin đến giới hành nghề luật sư, Trưởng VPLS Trương Anh Tú cho biết: “Với tính chất “đặc biệt” của dịch vụ cung cấp, nghề luật sư tưởng như sẽ nằm ngoài sự tác động ấy nhưng thực chất lại có mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ và vai trò rất lớn đối với cuộc cách mạng công nghệ thông tin đang diễn ra.
Luật sư Trương Anh Tú trao đổi với PV Báo điện tử Infonet. |
Những người hành nghề luật sư có vai trò trực tiếp trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin thể hiện ở sự giúp đỡ pháp lý cho hoạt động công nghệ thông tin, cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin. Vốn liếng cơ bản của luật sư là các quy phạm pháp luật nội dung (substantive laws) và quy phạm pháp luật về thủ tục (procedural laws).
Chừng ấy cũng đủ để khởi đầu công việc với các doanh nghiệp. Có doanh nghiệp nào bước vào thương trường mà không phải qua thủ tục khai sinh cho tổ chức của mình? Có những lúc doanh nghiệp cần phải đàm phán, ký kết hợp đồng – có luật sư giúp đỡ pháp lý sẽ tránh những rủi ro.
Thậm chí, một khi hiểu được vai trò của công nghệ, luật sư có thể phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp, liên kết cùng với các doanh nghiệp khác để đề xuất lên cơ quan quản lý nhà nước sớm có những chính sách, những quy định sao cho phù hợp, hỗ trợ cho sự phát triển của công nghệ thông tin”.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, “vai trò của luật sư còn thể hiện trong việc giải quyết những hệ quả pháp lý nảy sinh từ cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Với tư cách là một yếu tố thuộc kiến trúc thượng tầng, hệ thống pháp luật bao giờ cũng ra đời sau để điều chỉnh các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng.
Ở đây, cuộc cách mạng công nghệ thông tin là hạ tầng cơ sở, là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của hàng loạt các ngành nghề như: bán hàng online, dịch vụ thanh toán tiền qua internet, kinh doanh phần mềm… Lúc này, luật sư sẽ là sự đảm bảo pháp lý, sự định hướng pháp lý cho hoạt động của các ngành nghề mới khi mà chưa có sự điều tiết hoặc sự điều tiết chưa đầy đủ của pháp luật.
Các ngành nghề mới ra đời, hoạt động khi đang “chông chênh” về mặt pháp lý rất cần vai trò tư vấn định hướng của người luật sư làm sao cho sự hoạt động ấy mặc dù chưa có quy định của pháp luật nhưng vẫn trong khuôn khổ hợp pháp và hạn chế thấp nhất những rủi ro pháp lý sau khi Nhà nước ban hành quy định pháp luật”.
Luật sư Trương Anh Tú khẳng định, cao hơn nữa trong cuộc cách mạng ấy là vai trò góp ý kiến của luật sư vào các dự thảo pháp luật về công nghệ thông tin. Là những người tham gia tư vấn, giải quyết vấn đề pháp lý ở lĩnh vực công nghệ thông tin, luật sư nắm rõ nhất, thấu hiểu nhất những khó khăn, những hạn chế, những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống pháp luật điều chỉnh lĩnh vực công nghệ thông tin. Đấy là nền tảng để luật sư tham gia góp ý nhằm hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh lĩnh vực này.
Vận dụng CMCN 4.0, luật sư hiến kế cơ quan chức năng thu thuế online
Luật sư Trương Anh Tú còn chia sẻ: “Bản thân tôi đã có những hiến kế để Nhà nước truy thu thuế đối với những người sử dụng mạng xã hội đang hoạt động kinh doanh ở Việt Nam nhưng “quên” nộp thuế, hay những người kinh doanh online trên nền tảng công nghệ thông tin nhưng chưa có cơ chế hữu hiệu để nhà nước thu thuế.
Ngành công nghệ thông tin cũng mang lại cho nghề luật sư những công cụ tuyệt vời để phát triển, đó là công cụ để tương tác giữa luật sư và khách hàng, là kho dữ liệu pháp lý khổng lồ phục vụ cho hoạt động tra cứu của luật sư và cũng mang lại những cơ hội “vàng” để nghề luật sư được mở rộng phạm vi hoạt động. Bản thân nghề luật sư, người luật sư cũng phải chuyển mình để theo kịp, để đáp ứng được sự phát triển mãnh mẽ từ cuộc cách mạng thông tin”.
“Ngành công nghệ thông tin đã tạo ra một sân chơi lành mạnh để các luật sư nói chung tự hoàn thiện chính mình. Sử dụng tốt công nghệ sẽ là công cụ hữu hiệu để tạo ra thương hiệu của riêng mình. Cái khó nhất của người luật sư muốn theo kịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin cần phải có ba yếu tố tiên quyết đó là: Kỹ năng sử dụng máy vi tính; Phương pháp đưa ý tưởng của mình lên mạng máy tính, truyền thông đại chúng và Ngoại ngữ.
Ngoại ngữ là phương tiện giúp ích rất lớn cho luật sư trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Cuộc cách mạng công nghệ thông tin là cánh cửa mở ra cả một bầu trời tri thức của toàn nhân loại. Những tri thức này đa phần lại được thể hiện bằng ngôn ngữ quốc tế đó là Tiếng Anh, do đó ngoại ngữ và công nghệ thông tin sẽ trở thành cặp bài trùng giúp ích đắc lực cho luật sư.
Tuy nhiên, về khả năng ngoại ngữ thì bên cạnh một số nhỏ luật sư chuyên về luật quốc tế, kinh tế có cơ hội để cọ sát nhiều với các điều luật quốc tế, các đối tác nước ngoài thì đa phần các luật sư còn lại thường yếu về ngoại ngữ trong giao tiếp, trong soạn thảo các văn bản tư vấn pháp lý chuyên nghành….
Có rất nhiều luật sư cũng như tổ chức luật sư đã nhìn ra yếu điểm đó và mong muốn được khắc phục nhưng để tìm được một cơ sở đào tạo ngoại ngữ chuyên nghành cho luật sư thật bài bản tại Việt Nam cũng là rất khó khăn. Không có vốn ngoại ngữ chuyên ngành nên cánh cửa để tham khảo các thông tin về Luật của nước ngoài coi như đã khép lai, việc tiếp cận hệ thống pháp luật nước ngoài sẽ rất khó khăn và hạn chế.
Theo khảo sát của Bộ Tư pháp vào năm 2008 thì chỉ có 1,2% luật sư là có khả năng tranh tụng bằng ngoại ngữ. Công nghệ thông tin có ảnh hưởng rất lớn đến việc tác nghiệp trong lĩnh vực tư vấn cũng như tranh tụng của luật sư. Đơn cử một ví dụ nhỏ về tư vấn là nếu kỹ năng sử dụng máy tính tốt, luật sư có thể minh họa các ý tưởng của mình bằng biểu bảng cũng như các ứng dụng logic dễ hiểu khác để thuyết phục khách hàng…
Còn trong tranh tụng nếu kỹ năng sử dụng máy tính thành thạo thì việc tra cứu toàn bộ các dữ liệu của vụ án phức tạp sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng hơn cho luật sư khi việc bảo vệ cho thân chủ trước tòa ở một vụ án phức tạp khiến luật sư không thể mang hết các tài liệu, chứng cứ cũng như các văn bản pháp luật đến tòa án…” - luật sư Trương Anh Tú bày tỏ.
Cũng theo luật sư Trương Anh Tú, công nghệ thông tin cũng tạo ra những cách thức truyền đạt thông tin một cách nhanh chóng, tạo điều kiện cho luật sư tiếp cận hồ sơ mà không cần phải gặp trực tiếp, góp phần làm hạn chế những sai phạm trong quá trình tố tụng của các cơ quan nhà nước.
Công nghệ thông tin sẽ là phương tiện để đưa hình ảnh người luật sư, nghề luật sư đến gần hơn với người dân. Sẽ không quá khi nói rằng, chưa bao giờ hình ảnh người luật sư lại có độ phủ sóng, ảnh hưởng mạnh mẽ như thời điểm này.
Người luật sư đã và đang gắn liền với mọi biến động, mọi sự kiện của xã hội, những ý kiến của luật sư là sự định hướng cho dư luận. Để đạt được sức ảnh hưởng đó, không thể không nói đến sức mạnh của công nghệ thông tin. Do đó, phương pháp đưa ý tưởng của mình lên các phương tiện truyền thông rất quan trọng trong việc định hình hình ảnh của người luật sư, tạo dấu ấn riêng, thương hiệu riêng cho mỗi luật sư trong xã hội.