Công dụng bất ngờ của loại cây chị em đua nhau check in
Trên dọc những triền đê, bãi bồi sông Hồng bắt đầu vào mùa cỏ tranh trổ bông. Những vạt bông trắng bình yên trở thành điểm check in lý tưởng của nhiều bạn trẻ.
Nhưng chắc hẳn không nhiều người biết loại cây này rất nhiều tác dụng.
TS. Ngô Đức Phương, Viện trưởng Viện thuốc nam cho biết, tên khoa học cây cỏ tranh là Imperata cylindrica (L.) Beauv. Đây là cây sống lâu năm với chiều cao trung bình từ 0,6 – 1,2 m. Thân rễ khỏe, cứng và dai, màu trắng, phủ bởi nhiều vảy. Thân có lông cứng. Lá hình dải hẹp, dài, thuôn nhọn ở đầu, nhẵn hoặc có lông ở mặt dưới, mặt trên và mép lá ráp, lá non màu lục nhạt, bóng, hoặc cuộn lại, be lá mảnh, lưỡi bẹ mềm, ngắn, có lông dài.
Cụm hoa là chùm dày đặc những bông nhỏ, màu trắng, thuôn dài 5-20 cm, bông nhỏ thường xếp đôi một, màu tím nhạt, có lông tơ mịn, mày mềm, màu lục nhạt có lông. Hoa có hai nhị, chỉ nhị rất dài, bao phấn thuôn hình dải, bầu màu nâu hay tím đen.

Ở Việt Nam cỏ tranh có ở khắp nơi, từ các đảo, vùng đồng bằng, trung du, miền núi đến các độ cao hơn 2000 m. Cây ưa sáng sống dai, có thể mọc được trên các loài đất, có khả năng chịu hạn cao, nhờ có hệ thân rễ đặt biệt phát triển. Cỏ tranh ra hoa rải rác trong năm, song tập trung nhiều nhất vào mùa đông.
Các tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra cỏ tranh non chứa protein 6,56%; Ca 0,39%;N 1,05%; P 0,22%; tinh bột 10,7%, vitamin A, và vitamin C.
Đặc biệt thân rễ của loài cây này chứa đường toàn phần 22,05%, đường khử 9,20%, đường chuyển hóa 12,45%. Có tài liệu nói rõ hơn có chứa glucose, fructose.
Theo một số tài liệu, cỏ tranh có chứa arundoin 0,1%, fernerol 0,001%. Theo Prosca 12, thân rễ có cả biphenyl ether cylindol A và B, các hợp chất phenol imperanen, chất sesquiterpen cylindren, các lignan gravinon A và B.
TS. Ngô Đức Phương cho biết, phần rễ của cây được sử dụng trong bài thuốc bạch mao căn có tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt và tiêu độc.
Theo đó, thân rễ cỏ tranh đào về (không lấy loại trên mặt đất) rửa sạch đất cát, tuốt bỏ lá khô và các rễ con, đem phơi khô hoặc sấy khô, sắc nước uống có tác dụng lợi tiểu.
Thí nghiệm trên thỏ dạng chiết bằng nước và nước sắc rễ cỏ tranh cho thẳng vào dạ dày cho kết quả lợi tiểu, dùng thuốc 4-5 ngày tác dụng lợi tiểu mức tối đa. Lý giải tác dụng này, các nhà khoa học cho rằng tác dụng lợi tiểu của cỏ tranh có liên quan đến hàm lượng phong phú muối kali trong rễ.
Phần hoa cỏ tranh cũng có tác dụng cầm máu. Cụ thể, nước sắc hoa cỏ tranh thí nghiệm trên thỏ bằng đường uống với liều 0,5 g/kg trong 3 ngày, thì thời gian đông máu và thời gian chảy máu của thỏ đều rút ngắn. Tác dụng này được duy trì trong vài ngày. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm sức thẩm thấu của thành mạch, tăng cường sức đề kháng của mao quản.
Ngoài ra, nước sắc rễ cỏ tranh thí nghiệm trên môi trường nuôi cấy có tác dụng ức chế trực khuẩn Shigella.
Đặc biệt, chất coixol có trong thân rễ có tác dụng ức chế sức co bóp của cơ vân. Chất cylindol có ảnh hưởng đến hoạt tính của men lipooxygenase, chất imperanene có tác dụng ức chế ngưng kết tiểu cầu thỏ. Ngoài ra, rễ cỏ tranh còn có tác dụng an thần, giải nhiệt, giảm đau.
Theo đông y, rễ cỏ tranh có vị ngọt tính hàn, có tác dụng thông tiểu tiện, lương huyết, chỉ huyết, thanh nhiệt. Hoa cỏ tranh có vị ngọt, tính mát, có tác dụng cầm máu, giảm đau.
Rễ cỏ tranh được dùng chữa bệnh nhiệt phiền khát, tiểu tiện khó khăn, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu ra máu, ho ra máu, chảy máu cam, phù viêm thận cấp, hen suyễn.
Hoa cỏ tranh chữa chảy máu cam, ho ra máu, nôn ra máu, chảy máu vết thương. Liều dùng 9 – 15g/ ngày, sắc nước uống.
Còn theo kinh nghiệm dân gian, TS. Ngô Đức Phương cho biết, người dân ở vùng núi cao thường dùng rễ cỏ tranh còn tươi nấu nước uống có tác dụng tăng cường sinh lý cho nam giới.
N. Huyền