Con gái đổ rác lên mẹ già, ngược đãi: Cảnh báo vấn đề xã hội bức thiết, cần có ngay những viện dưỡng lão
Theo TS Khuất Thu Hồng, nếu gánh nặng chăm sóc người già không được chia sẻ bình đẳng, hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội thì những câu chuyện đau lòng như thế này e rằng sẽ không là hiếm.
Con gái bạo hành, xúc rác đổ lên đầu mẹ già ở Long An (Ảnh cắt từ clip được lan truyền trên MXH) |
Liên quan tới vụ việc người con gái tuổi trung niên bạo hành, xúc rác đổ lên đầu mẹ già ở Long An, TS Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội) khẳng định không thể bênh vực người phụ nữ có hành vi ngược đãi mẹ đẻ mình như thế. “Hành động của chị ta là không thể chấp nhận được và rất đáng lên án”, bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Tuy nhiên, vị chuyên gia xã hội học đặt câu hỏi: “Vì sao người phụ nữ ấy lại có thể hành động tàn bạo như vậy đối với mẹ đẻ của mình? Hẳn chị ta phải bức xúc lắm, tức giận lắm, uất ức lắm, hận lắm... Mà tất cả những bức xúc ấy là cả một quá trình đủ lâu để tất cả những mệt mỏi, giận hờn, khó chịu, tức tối bị dồn nén bùng nổ một cách dữ dội không thể kiểm soát được như vậy”.
Dẫu không có đủ thông tin về hoàn cảnh gia đình của người phụ nữ tội lỗi này nhưng với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu xã hội học, bà Khuất Thu Hồng nhìn nhận đây là “vấn đề xã hội có tính lịch sử và ý nghĩa tương lai”.
Qua những điều phổ biến trong gia đình Việt Nam, bà Khuất Thu Hồng nhận thấy gánh nặng chăm sóc người khác thường dồn lên vai người phụ nữ từ chăm chồng, chăm con, chăm cha mẹ già, chăm sóc người bệnh, nếu sống với anh em, họ hàng... thì có khi phải chăm sóc luôn cả những người ấy.
“Người phụ nữ phải “3 đầu 6 tay” mới có thể hoàn thành đủ thứ việc từ tham gia kiếm tiền nuôi sống gia đình lại kiêm thêm việc chăm sóc con cái, chồng con. Nếu gia đình nào có thêm mẹ già, cha già đau yếu thì gánh nặng đổ lên vai người phụ nữ lên gấp 3 gấp 4 lần”, bà Khuất Thu Hồng bày tỏ.
Bà Khuất Thu Hồng cho biết, giới nghiên cứu hay ví von sự vất vả của phụ nữ là “gánh nặng kép” hoặc “gánh nặng gấp ba” nếu người phụ nữ ấy còn đảm nhận công việc xã hội.
TS Khuất Thu Hồng: Nếu gánh nặng chăm sóc người gi không được chia sẻ bình đẳng, hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội thì những câu chuyện đau lòng như thế này e rằng sẽ không là hiếm. |
Qua trường hợp này, bà Khuất Thu Hồng cũng chỉ ra một vấn đề tương lai khi Việt Nam đang đối diện với tình trạng già hoá dân số, tỷ lệ người cao tuổi ngày càng tăng, mức sinh ngày càng giảm, lại thêm vấn nạn mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều trai hơn gái.
“Nếu gánh nặng chăm sóc không được chia sẻ bình đẳng, hợp lý giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình và xã hội thì những câu chuyện đau lòng như thế này e rằng sẽ không là hiếm”, bà Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Theo phân tích của vị chuyên gia xã hội học này, gia đình không phải là nơi duy nhất giải quyết gánh nặng này. Đây là câu chuyện phúc lợi của xã hội, là chính sách an sinh của xã hội. Ở đây phải đặt ra các giải pháp ứng phó với câu chuyện này như thế nào.
"Đã đến lúc nhà nước và xã hội phải cung cấp dịch vụ chăm sóc người già để giải phóng phụ nữ khỏi ít nhất một gánh nặng và một mặt nào đó, trả ơn người già vì sự cống hiến của họ” - bà Khuất Thu Hồng nói.
Bà Nguyễn Thanh Thuỷ, nữ điều dưỡng tại một bệnh viện đã nghỉ hưu từng có nhiều năm chăm sóc người cao tuổi cho biết, người già trí nhớ giảm sút lại rất nhiều bệnh lý đi kèm nên chăm sóc những bệnh nhân này quả thực là một gánh nặng.
Tại bệnh viện, nơi chỉ tiếp nhận những bệnh nhân có bất thường về sức khoẻ mà nhiều khi “điều dưỡng chúng tôi nhịn như nhịn cơm sống”.
“Có cụ vào viện nhưng khi bác sĩ chỉ định đi siêu âm thì cụ không chịu. Cụ nhất quyết tự chẩn bệnh cho mình và yêu cầu bác sĩ phải thực hiện “y lệnh” của cụ.
Cho uống thuốc nếu không để ý là cụ giấu thuốc đi ngay. Cắm chai nước truyền dịch bù nước, cụ cứ hỏi đi hỏi “giết tôi à?”.
Thực sự nếu không kiên nhẫn, nếu không hiểu tâm lý của người già thì rất khó để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, bà Thuỷ cho biết.
Vì thế, thay vì đến giờ đi buồng làm thuốc trong chốc lát, các điều dưỡng sẽ phải mất nhiều thời gian để trò chuyện, tâm sự cùng các bệnh nhân cao tuổi. Bà Thuỷ nhấn mạnh, khi trao đi tình thương yêu thực sự sẽ nhận lại sự hợp tác của các cụ.
Trường hợp người phụ nữ ở Long An ngược đãi mẹ già là một điều đáng tiếc. Bà Thủy cho rằng người phụ nữ ấy đã thiếu kỹ năng chăm sóc người già và hơn hết cả là thiếu đi tình người nên mới có những hành động phi nhân tính đến nhường ấy.
“Trong trường hợp không thể chăm sóc được, vẫn còn có những trung tâm nuôi dưỡng. Các con có thể gửi bố mẹ vào đấy để yên tâm làm ăn. Thậm chí có thể chia sẻ bớt công việc chăm sóc mẹ cho các anh chị em, cho chồng cho con cơ mà. Có nhiều cách, tại sao chị ấy lại làm như vậy?”, bà Thuỷ nhấn mạnh.
N. Huyền