Cổ tích chuồn chuồn tre xuất ngoại
Câu chuyện về anh Hảo “khoèo” làm chuồn chuồn tre xuất sang Nhật Bản từ mấy năm nay đã được người dân xã An Vinh truyền tai nhau như một tấm gương về nghị lực sống để mọi người soi vào.
Anh Bùi Văn Hảo bên những chú chuồn chuồn tre do anh tự làm để xuất sang Nhật Bản (Ảnh: Viết Tuân) |
Anh Hảo sinh ra khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến khi đang học lớp 8, chân anh càng ngày càng đau. Mùa đông năm đó, vì đau chân quá, anh không thể đi học được nữa. Gia đình đưa anh đi khám thì bác sĩ kết luận anh bị viêm đa khớp dạng thấp. Dù đã cố gắng chạy chữa, vẫn không có hiệu quả. Anh cho biết: “Lúc đó, dù còn là trẻ con nhưng tôi nghe người ta nói bệnh này rất nguy hiểm, có thể chết bất cứ lúc nào. Bác sĩ nói rằng bệnh này thường chạy vào tim, có người chỉ sống được 5 đến 7 năm sau khi phát bệnh”.
Anh may mắn còn sống, nhưng vào năm 1978, khi anh tròn 18 tuổi, cái tuổi người ta bắt đầu bước vào ngưỡng cửa của cuộc đời thì đôi chân của anh đã “chết”. Chân anh teo tóp dần, anh không thể đi lại được. Đôi tay anh cử động cũng rất đau đớn. Ngay đến cả việc vệ sinh cá nhân anh cũng không thể tự lo cho mình được.
Nỗi đau chưa dừng lại ở đó, anh bị bệnh một năm thì đến năm 1979, bố anh đột ngột qua đời. Gánh nặng gia đình đặt lên vai hai người phụ nữ là mẹ và chị anh. Năm 1993, mẹ anh mất, chỉ còn chị Bùi Thị Hiền là người thân duy nhất luôn bên cạnh anh, lo toan mọi công việc gia đình và chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho anh.
Thế rồi điều kì diệu đã đến với anh. Tháng 6/2009, một người bạn khuyết tậtgiới thiệu cho anh trên thành phố Thái Bình đang mở một lớp dạy làm chuồn chuồn tre cho những người khuyết tật do tổ chức “Mái nhà Việt Nam” – một tổ chức phi chính phủ của Việt Nam, Nhật Bản tổ chức.
Những ngày đầu đến lớp, nhìn đôi tay không giơ cao được quá đầu, đôi chân bị “đóng băng” của anh, rất nhiều người trong lớp đều không tin anh có thể học được gì. Nhưng nghị lực của anh, cùng với sự động viên của cô giáo đã giúp anh làm được điều tưởng chừng như chỉ có trong mơ ước. Lớp học diễn ra trong hai tháng nhưng chỉ sau một tuần, anh đã về nhà, tự làm chuồn chuồn tre.
Cứ cuối tháng, người của tổ chức mái nhà Việt Nam lại đến để mang tre cho anh và nhận chuồn chuồn. Được sự bảo trợ của tổ chức này nên những chú chuồn chuồn tre do anh làm đã được xuất khẩu sang Nhật Bản.
Với giá mỗi con chưa đến 10.000 đồng, thì số tiền anh làm được mỗi tháng chỉ vài trăm nghìn, không đủ để anh chi trả tiền thuốc thang những lúc đau yếu. Nhưng anh chia sẻ: “Số tiền tôi làm ra mỗi tháng, chắc chưa bằng ngày công của một người bình thường nhưng với tôi như thế là hạnh phúc lắm rồi, vì lúc đầu tôi cứ nghĩ mình không vượt qua được những ngày khó khăn trước đây. Vậy mà bây giờ tôi có thể tự tay làm ra những đồng tiền để nuôi sống mình.”